Tin mới nhất

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân tự tổ chức và thực hiện trước hết và chủ yếu là thông qua Nhà nước của mình. Đảng ta khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. 

Ở nước ta, xuất phát từ nền dân chủ XHCN, các bản Hiến pháp đều long trọng ghi nhận nhiều nội dung quan trọng về quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp của nhân dân, như thực hiện khi bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, trưng cầu ý dân với những vấn đề hệ trọng, tự quản đời sống nhân dân ở khu dân cư, đóng góp sáng kiến vào quá trình xây dựng pháp luật, thiết lập các tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đảm bảo hoạt động của thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở. Vì vậy, Đảng ta rất coi trọng xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đặc biệt từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước đến nay, nhận thức về vấn đề dân chủ của Đảng ngày càng hoàn thiện, cụ thể hóa thành các chủ trương, đường lối, chính sách và thực sự trở thành động lực phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuôc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”[1]. Trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, các quyết định quản lý có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân phải bảo đảm có sự tham gia trực tiếp của nhân dân. Để bảo đảm sự ổn định trật tự, an toàn xã hội và định hướng phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Đại hội XII khẳng định cơ chế thực hiện dân chủ phải đảm bảo trách nhiệm hai chiều giữa nhà nước và công dân: “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân”[2].

Cần tiếp tục mở rộng và cụ thể hóa dân chủ (hình thức trực tiếp) cho người dân. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp như thông qua tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đối thoại với lãnh đạo địa phương, thực hiện quyền được trưng cầu dân ý theo luật định. “Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.[3]        

Cần có cơ chế rõ ràng để nhân dân bày tỏ thẳng thắn ý kiến và phản biện đốivới dự thảo, dự án và những quyết định lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta hiện nay theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân chủ cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là việc làm cần được chú trọng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy dân chủ hóa XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội; bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm mọi quyết định của Đảng, Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến; bảo đảm để nhân dân tham gia tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện./.

 


[1] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, văn phòng TW Đảng, 2016, tr. 38.

[2] Sđd, tr. 39.

[3] Sđd, tr. 37


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số