Tin mới nhất

Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ở tỉnh Bình Thuận qua ghi chép của Lịch sử Đảng bộ tỉnh

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chỉ 24 giờ sau Lễ Quốc khánh, ngày 03/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời. Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...” để bầu Quốc hội. Cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân này sẽ lập ra Hiến pháp dân chủ và một chính phủ thật sự của quốc dân.

Vượt qua những khó khăn trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc; đặc biệt vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của của bọn Việt Quốc “Việt Nam Quốc dân đảng” và Việt Cách “Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội”; ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Ở 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Tại Bình Thuận từ tháng 12 năm 1945, cùng cả nước, nhân dân trong tỉnh sôi nổi bước vào cuộc vận động bầu cử đại biểu Quốc hội để bầu hai đại biểu Quốc hội đầu tiên (theo quy định của Trung ương cứ 5 vạn dân sẽ cử một đại biểu, lúc bấy giờ tỉnh ta có hơn 100.000 dân). Sau một thời gian vận động, có 14 người được đề cử và ứng cử làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày tổng tuyển cử 06/01/1946 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Lần đầu tiên sau hơn 80 năm nô lệ, nhân dân được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân một nước Việt Nam độc lập, đông đảo cử tri Bình thuận từ thị xã Phan Thiết đến các vùng thôn quê đi bỏ phiếu với tinh thần hết sức phấn khởi. Do trình độ dân trí lúc bấy giờ, Mặt trận Việt Minh đề ra câu thành ngữ “cá Đối kho Tương” để vận động cho các ứng cử của mình. Đối là bác sĩ Huỳnh Tấn Đối, một trí thức tiến bộ lúc bấy giờ ở Phan Thiết. Tương là đồng chí Nguyễn Tương một đảng viên Cộng sản quê ở Hàm Thuận, nhiều lần bị tù đã hết mình vì nhân dân. Kết quả đồng chí Nguyễn Tương và bác sĩ Huỳnh Tấn Đối đều trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đồng chí Nguyễn Tương
Đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Bình Thuận
(Ảnh chụp năm 1949)

Tình hình vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc, chiến thắng giặc đói, giặc dốt, bầu cử thành công Quốc hội, củng có vững chắc chính quyền cách mạng là thành tích to lớn đầu tiên của chế độ mới. Nó thể hiện tính ưu việt của Nhà nước dân chủ nhân dân, mọi người ai ai cũng quyết tâm gắn bó, bảo vệ.

Sau bầu cử Quốc hội, cùng cả nước, quân và dân Bình Thuận tích cực chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài: chống Pháp và chống Mỹ gian khổ và anh dũng. Và đến ngày 25 tháng 4 năm 1976, người Bình Thuận lại được thể hiện quyền công dân của mình trong cuộc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà - Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau 30 năm chiến đấu với truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”./.


Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập 1 (1930-1954)


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số