Ở Việt Nam, vấn đề “chuyển giá” diễn ra không phải mới đây, mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước, khi các nguồn vốn FDI ồ ạt đổ vào nước ta. Thực tế cho thấy, “chuyển giá” tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng (kể cả các tập đoàn hàng đầu của thế giới như Coca - Cola, Adidas,... ) và gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vấn đề này.
Vậy chuyển giá là gì?
Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu.
Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả.
Ngay sau Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra chiến lược Đổi mới kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài đã sớm được ban hành (1987), góp phần tạo ra môi trường kinh doanh mới dựa trên một nền tảng pháp lý cụ thể, phù hợp với nhận thức về xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang còn bị cấm vận kinh tế, việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài đã khẳng định quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”. Hơn nữa, trong điều kiện các nguồn lực hỗ trợ từ hệ thống XHCN cũ không còn và tiết kiệm trong nước không đủ, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một sự bổ sung hết sức quan trọng cho đầu tư để phát triển đất nước. Đầu tư nước ngoài cũng góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế, cải thiện cán cân thương mại, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân, đóng góp nguồn thu ngân sách quốc gia. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam có hơn 20 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 281,882 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI qua các báo cáo lại không cao, phổ biến nhất là tình trạng thua lỗ. Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2015 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố có đánh giá rất đáng chú ý, trong 3 loại hình doanh nghiệp, khối FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ vẫn luôn cao nhất, có những thời điểm lên đến 51,2% (năm 2008), trong 3 năm từ 2012 - 2014 xấp xỉ 48%[1]. Một điều bất hợp lý là dù thua lỗ liên tục nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, trong khi doanh nghiệp FDI kêu lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.
Vậy tình trạng lỗ này là thật hay là lỗ do chuyển giá để trốn thuế?
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (PCI) năm 2013: 9% doanh nghiệp FDI lãi rất ít thừa nhận có chuyển giá. Đặc biệt, có khoảng 30% doanh nghiệp FDI lỗ (từ 0 - 5%) đã thừa nhận chuyển giá[2]. Điều này củng cố thêm nghi vấn “doanh nghiệp FDI báo lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá”[3]. Và kết quả thanh tra chuyển giá của cơ quan thuế đã làm rõ hơn hành vi chuyển giá trong doanh nghiệp FDI ở Việt Nam như sau: Năm 2014, ngành thuế cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.077 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, kết quả đã giảm số lỗ 5.439,87 tỷ đồng. Năm 2015, số doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá bị ngành thuế thanh tra, kiểm tra là 4.751, kết quả đã giảm số lỗ 10.050 tỷ đồng. Riêng vụ việc Metro Cash và Carry chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, ngành thuế đã truy thu hơn 507 tỷ đồng.[4]
Việc chuyển giá từ doanh nghiệp FDI có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam?
Thứ nhất, thất thu ngân sách nhà nước do thất thu nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể: 50% doanh nghiệp FDI thua lỗ có tỷ trọng đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia của khối doanh nghiệp FDI (không tính thu từ dầu thô) chỉ chiếm từ 9 - 10% hoặc có năm 12%, một con số đóng góp khá thấp.
Thứ hai, gia tăng giá trị nhập khẩu, tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và cán cân thanh toán. Việc nâng khống giá trị thiết bị, máy móc , nguyên liệu đã khiến cho khu vực FDI mặc dù có xuất khẩu, song giá trị nhập khẩu vẫn cao, dẫn đến cán cân thương mại và cán cân thanh toán bị thâm hụt.
Thứ ba, gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.Việc tạo ra lợi thế từ việc “tối thiểu hóa” số thuế phải nộp và “tối đa hóa” lợi nhuận nên phần lớn doanh nghiệp FDI dễ dàng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước khiến cho doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua lỗ, bị phá sản hoặc phải chuyển sang kinh doanh ngành hàng khác.
Thứ tư, góp phần làm sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn FDI nói riêng và vốn nói chung
Cụ thể: giai đoạn 2000 -2013, để tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm, khu vực kinh tế FDI phải bỏ ra 10,10 đồng vốn, trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước là 8,20 đồng và khu vực ngoài nhà nước chỉ 3,54 đồng.[5]
Vì vậy, chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Để hạn chế tình trạng này, chính phủ và các cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kiện toàn bộ máy.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương.
Thứ ba, áp dụng phương pháp định giá (APA - cơ chế thoả thuận trước về xác định giá).
Thứ tư, cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao.
Thứ năm, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá giữa các cơ quan chức năng.
Thứ sáu, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá.
Nhìn chung, công tác chống chuyển giá tại Việt Nam trong thời gian qua và thời gian sắp tới nhằm thu hút các nhà đầu tư có uy tín, tăng hiệu quả, tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài và tạo một môi trường đầu tư theo hướng tích cực, bình đẳng, lành mạnh hơn./.
[1] Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (2016), Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015.
[2] VCCI, USAID (2013), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2013.
[3] PGS.TS. Nguyễn Đình Tài (2013), Chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 5 (541) 3-2013, tr.18-20
[4] Tổng cục Thuế: các báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra của ngành thuế.
[5] http://thoibaokinhdoanh.vn/Lang-kinh-8/Viet-Nam-se-ra-saoneu-FDI-roi-di-13979.html.