Ở nước ta, Đảng ta luôn khẳng định quan điểm coi con người nói chung, nguồn nhân lực nói riêng là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của từng tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong 10 năm trở lại đây, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân ra sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà đạt được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,6% (ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 17,7%; ngành dịch vụ tăng 13,7%). Riêng giai đoạn (2005 – 2014), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,9%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 1.656 USD (tăng 12,7 lần so năm 1991). Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế từ 9,5%/năm (năm 1991) tăng lên 20% (năm 2014). Vốn đầu tư phát triển bình quân hàng năm tăng 18.8%/năm.
Để có được những thành tựu kinh tế như trên là do tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực. Đến nay, nguồn nhân lực của tỉnh Bình Thuận đã có sự thay đổi rất lớn cả về số lượng và chất lượng, lực lượng lao động đang làm việc tại các ngành, lĩnh vực trong tỉnh được đào tạo và đào tạo lại tăng dần qua các năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 28% (năm 2010) lên 55% (năm 2015), góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực. Cơ cấu lao động qua đào được thực hiện theo phương hướng hiện đại, chú trọng việc tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ cao hơn ngành nông nghiệp (Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 49,0%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 62,0% và ngành dịch vụ chiếm 58,8%).
Một trong những điểm nổi bật trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Bình Thuận là việc các cấp các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nguồn nhân lực đi trước đón đầu khi xây dựng cơ cấu đào tạo lực lượng lao động phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, chú trọng công tác đào tạo nghề, khắc phục tình trạng đào tạo thừa thầy thiếu thợ và đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở dạy nghề, tăng 7 cơ sở so với năm 2010. Trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 69.588 người (bình quân 13.918 người/năm), trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 52.894 người (bình quân 11.192 người/năm). Giải quyết việc làm 5 năm (2011-2015) là 120.000 lao động, bình quân hàng năm giải quyết việc làm 24.000 lao động (đạt 100% chỉ tiêu đề ra là 24.000 lao động/năm).
Tuy đạt được những thành tựu đáng kể, song nguồn nhân lực ở tỉnh Bình Thuận vẫn chưa đáp ứng được hết những yêu cầu và thiếu tính bền vững, cả về sức khỏe, về năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, về ý thức lao động, kỷ luật lao động... Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng trong tổng lực lượng lao động chưa cao so với yêu cầu công việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Chất lượng lao động, lao động chưa được đào tạo còn nhiều, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Mặt khác, cơ cấu ngành nghề và cấu trúc đào tạo chưa hợp lý, thiếu các chuyên gia kỹ thuật và quản lý giỏi. (Năm 2015, dân số của tỉnh là 1.220.690 người, tổng số người trong độ tuổi lao động là 815.921 người, lao động đang làm việc là 770.415 người, trong đó: đào tạo ngắn hạn 190.690 người, trình độ sơ cấp 106.117 người, trình độ trung cấp 42.447 người, trình độ cao đẳng 21.223 người, trình độ đại học 28.298 người, trình độ trên đại học 320 người).
Để sớm đạt được mục tiêu Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2011 - 2020 theo Quyết định số 113 /QĐ-UBND, các cấp các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Bình Thuận cần thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người lao động về phát triển nguồn nhân lực.
Thứ hai, tăng cường đào tạo, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, tăng cường hợp tác với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực.
Thứ tư, xây dựng chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài.
Bình Thuận đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm hoàn thành mục tiêu là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mục tiêu chung của cả nước. Muốn làm được điều này, một vấn đề hết sức quan trọng là phải tiếp tục khai thác được thế mạnh về nguồn nhân lực, đồng thời phải có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực./.