Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “không có thầy giáo thì không có giáo dục, học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hoặc xấu…”. Người đặc biệt quan tâm đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, đạo đức tác phong, phương pháp của thầy, cô giáo trong xã hội. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đội ngũ thầy cô giáo là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện tốt quốc sách đó. Hiểu được điều này bản thân thiết nghĩ những tiêu chí cơ bản mà người giảng viên cần phải có đó là phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kiến thức chuyên môn và khả năng sư phạm...
Trước hết, người giảng viên cần có phẩm chất chính trị. Đã là giảng viên của Trường Chính trị phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới, trong nước đang có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết người giảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; góp phần đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, bảo vệ tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như quan điểm, đường lối của Đảng.
Cùng với phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cũng là một trong những yếu tố mà giảng viên Trường Chính trị không thể thiếu được. Đạo đức lối sống thể hiện ở lối sống giản dị, lành mạnh, chân thành, trung thực, tinh thần giữ gìn đoàn kết nội bộ, tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, thân thiện và giúp đỡ mọi người xung quanh, say mê với công việc giảng dạy, nghiên cứu. Rèn đức tính nghề giáo còn là tính yêu ngành, yêu nghề, yêu người bởi vì người thầy đứng trên bục giảng là một “kiến trúc sư tâm hồn” phải biết yêu quý nghề nghiệp và yêu quý cả những đối tượng học viên mà mình đang thực hiện nhiệm vụ kiến trúc. Thầy mà không yêu ngành, yêu nghề, yêu người thì sẽ không thể thực hiện thành công nhiệm vụ giáo dục vẻ vang của mình.
Bên cạnh rèn đức, đòi hỏi người giảng viên thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, kiến thức khoa học và kiến thức thực tiễn sao cho mỗi bài giảng phải mang được hơi thở của thực tiễn cuộc sống. Việc học tập phải được xác định thường xuyên, liên tục. Kiến thức chuyên môn không chỉ là những kiến thức về bộ môn mình tham gia giảng dạy mà người giảng viên phải nghiên cứu và nắm bắt toàn bộ nội dung chương trình giảng dạy của trường.
Trau dồi kiến thức khoa học và thực tiễn thôi thì chưa đủ đối với giảng viên Trường Chính trị mà một đòi hỏi nữa của người thầy phải có là kỹ năng sư phạm. Kỹ năng sư phạm, được hiểu là kỹ năng truyền đạt (nói và viết). Kỹ năng sư phạm một phần nào đó là do bẩm sinh, nhưng chủ yếu là do sự khổ công rèn luyện để ngày càng hoàn thiện hơn. Do vậy, người giảng viên phải thường xuyên trau dồi kỹ năng qua việc tham gia học tập các lớp phương pháp giảng dạy tích cực, học tập phương pháp giảng dạy của đồng nghiệp và trau dồi kỹ năng nói và viết súc tích, rõ ràng phù hợp với đối tượng truyền đạt.
Như vậy, để trở thành một người giảng viên, một người kỹ sư tâm hồn, thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, người giảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng hoàn thiện và nâng cao trình độ về mọi mặt, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kiến thức khoa học, nhân cách và kỹ năng nghề nghiệp, đó là mục tiêu để bản thân người giảng viên xác định và hướng đến để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.