Tin mới nhất

Một số quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam

Từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Quá trình dựng nước và giữ nước được cha ông ta viết nên các chiến tích chói lọi trên những trang sử vàng đầy khí tiết. Những câu nói hùng hồn, các vần thơ bất hủ đã vang lên:        

Nam quốc sơn hà, nam Đế cư/Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư”

(Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời)

                                                                                                                                                 (Lý Thường Kiệt)

Đây là chứng cứ hùng hồn nhất để khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ta thời kỳ đó. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thành công, Đảng, Nhà nước  ta lại một lần nữa khẳng định chủ quyền biên giới, biển đảo quê hương là bất khả xâm phạm qua các bộ luật và các văn kiện trong các kỳ đại hội.

Biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước”. Điều 1, chương 1 của Bộ luật ghi rõ: “Biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là đường mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển, vùng đất, vùng trời của nước CHXHCN Việt Nam” .[1]

Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX, tại kỳ họp thứ 5, ngày 23/6/1994 về việc phê chuẩn “Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982” (gọi tắt là Luật Biển năm 1982) và có hiệu lực từ ngày 16/6/1994 khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghị quyết nhấn mạnh: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.[2]

Nghị quyết cũng nêu rõ: “Quốc hội khẳng định chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam”.

Những năm gần đây, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc  hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam vào tháng 5/2014; Hành động mở rộng các đảo nhân tạo trái phép nhằm mục đích quân sự hóa của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam đã làm tình hình về chủ quyền biên giới, biển đảo nóng hơn bao giờ hết. Một lần nữa Đảng, Chính phủ đã cho thấy quan điểm, đường lối hết sức đúng đắn trong việc đối ngoại về vấn đề chủ quyền với phương châm chiến lược “Vừa hợp tác vừa đấu tranh”; quan điểm “ Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chị tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước ta đưa lên hàng đầu. Hay là tuyên bố đầy đanh thép của người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” .[3]

Thật vậy, Tổ quốc Việt Nam ta trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, đồng bào ta đã hy sinh biết bao xương máu để gìn giữ chủ quyền của đất nước. Ngày nay, chúng ta phải một lòng đoàn kết, giữ vững niềm tin vào quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo quê hương. Mỗi người dân Việt Nam là một chiến sĩ kiên cường dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì không một thế lực nào có thể xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

                                                                                  

 


[1] Luật biên giới quốc gia

[2] Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX.

[3] Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trong một cuộc họp báo tại Philippines ngày 22/5/2014.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số