Trước sự vận động và biến đổi không ngừng của thực tiễn, thiết nghĩ để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị thì người giảng viên ở trường chính trị cần phải không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện và đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quy trình sau:
Thứ nhất, người giảng viên phải có sự thống nhất vững vàng giữa tri thức lý luận chính trị với kinh nghiệm và vốn sống thực tiễn phong phú về những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc nghiên cứu sách, báo, thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, đi nghiên cứu thực tế nhằm làm cho bài giảng phong phú. Bên cạnh đó, người giảng viên cần phải có năng khiếu, trao dồi nghiệp vụ sư phạm, linh hoạt trong quá trình lên lớp.
Thứ hai, người giảng viên phải nắm vững nội dung, phương pháp, mục đích yêu cầu của bài giảng, tìm hiểu thông tin về đối tượng giảng dạy, sử dụng thành thạo các phương tiện giảng dạy hiện đại kết hợp với phương pháp giảng dạy tích cực để đáp ứng kịp thời những vấn đề nảy sinh trong mỗi tiết học và cả quá trình lên lớp.
Thứ ba, người giảng viên phải soạn giáo án đúng theo quy định giáo án mẫu của Học viện. Đây là khâu quan trọng, quyết định sự thành công của một bài giảng. Bởi vì, tất cả những nội dung cơ bản nhằm đạt được mục đích, yêu cầu của bài giảng đã được người giảng viên chuẩn bị một cách công phu, hệ thống. Chuẩn bị giáo án tốt sẽ có buổi giảng tốt.
Thứ tư, trong quá trình giảng dạy, giảng viên nên bao quát lớp, phát hiện và giải quyết kịp thời các biểu hiện không phù hợp của đối tượng dự học, nhằm chống hiện tượng học viên không chú ý tiếp thu bài giảng để tạo không khí sôi nổi trong từng nội dung giảng dạy, trao đổi.
Qua mỗi phần học, từng nội dung, giảng viên cần phải có sự chuyển ý một cách logic, dẫn dắt người học cuốn theo trình tự trình bày của mình. Ở từng nội dung, giảng viên xác định rõ ràng đâu là tri thức mới cần trang bị, đâu là lý luận, đâu là thực tiễn, nhằm gắn lý luận với thực tiễn một cách khoa học, sáng tạo.
Thứ năm, đối với giáo án điện tử, giảng viên phải sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ cho giảng dạy, thông qua việc sử dụng màu sắc hài hòa, fond chữ rõ, sáng, trình bày hợp lý, sưu tầm những hình ảnh, video minh họa phù hợp, hiệu ứng hài hòa. Để tạo sự sinh động, hứng thú theo dõi của học viên, giúp họ tiếp thu tốt bài giảng.
Thứ sáu, người giảng viên phải có tinh thần cầu thị trong quá trình giảng dạy, luôn luôn lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của đồng nghiệp và cả về phía ý kiến người học trong quá trình lên lớp cũng như trong thảo luận, nhất là phiếu tham khảo.
Bên cạnh đó, bản thân người giảng viên cần có tâm huyết với nghề, lòng nhiệt tình, sự say mê với công việc giảng dạy; phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, nhất là đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Có uy tín trong quá trình giảng dạy mà đặc biệt là uy tín khoa học được học viên và đồng nghiệp đánh giá cao. Phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Đồng thời, rèn luyện cho mình đức tính: không tự cao, tự ti, với những gì mình đã có.
Giảng dạy lý luận chính luôn là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Lênin đã dạy: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”; Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực tiễn mà không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng, lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Chính vì vậy, mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị chính là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và cần phải hoàn thành tốt vai trò của mình, nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của của nước nhà và thực hiện thành công mục tiêu của Đảng ta trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.