Có lẽ nổi bật nhất là việc bà con nhân dân nơi đây đã được sử dụng điện 24/24 giờ từ ngày 01/7/2014 thay cho 17/24 giờ trong thời gian trước đó, giá điện được tính bằng với giá điện trong đất liền. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã mua sắm các thiết bị sử dụng điện nhiều hơn như máy lạnh, tủ lạnh, tủ cấp đông... và nhiều hộ đã mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhìn Phú Quý sáng rực về đêm, đường xá nhộn nhịp, mới cảm nhận hết sự vui sướng của cán bộ và nhân dân huyện nhà.
Kinh tế địa phương ngày càng phát triển theo hướng đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, số tàu thuyền có giảm do nhiều ngư dân bỏ biển. Do vậy, tính đến nay, tổng số tàu thuyền của huyện là 1.187 chiếc/89.328CV (giảm 23 chiếc thuyền nhỏ). Thuyền trên 90CV là 195 chiếc/70.436CV (trong đó có 89 chiếc làm dịch vụ thu mua và chế biến hải sản). Sản lượng khai thác hải sản năm 2014 là 24.813 tấn, đạt 103,39% kế hoạch năm, tăng 3,33% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là thời tiết tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt xa bờ, sản lượng cao hơn so với năm trước. Địa phương cũng đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Chính phủ với tổng số tiền 15.794.338.000 đồng/129 lượt. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển đội tàu có công suất lớn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; đã tiếp nhận hơn 60 đơn đăng ký và giải quyết cho 52 trường hợp với kinh phí dự kiến ước trên 300.000 triệu đồng (trong đó: 44 đóng mới và 8 thay máy). Chính quyền địa phương đã quan tâm đến việc thường xuyên tuyên truyền vận động ngư dân không khai thác hải sản bằng chất nổ, xung điện và hóa chất, không khai thác vi phạm lãnh hải nước ngoài; tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt, thu gom và nuôi loài thủy sản quý hiếm.
Năm 2014, huyện đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Phú Quý trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị Bệnh viện Quân dân y và Trung tâm Y tế huyện, phục vụ tốt hơn cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Công tác thanh kiểm tra và giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện thường xuyên tại các cơ sở ăn uống, giải khát, kinh doanh thực phẩm, căn tin, bếp ăn tập thể,… nên không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Công tác giáo dục cũng được địa phương chú trọng với hệ thống trường, lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, kiên cố hóa. Toàn huyện hiện có 15 trường với tổng số học sinh các cấp 7.095 em. Các trường thực hiện đảm bảo công tác dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng toàn diện trong ngành giáo dục; công tác phổ cập giáo dục được tập trung chỉ đạo duy trì tốt. Hiện toàn huyện có 05 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó: 01 trường THCS, 03 trường Tiểu học và 01 trường Mầm non).
Đặc biệt, Phú Quý đang tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Tam Thanh, xây dựng các tuyến đường văn minh. Trong năm, thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, được 84 tuyến đường với tổng chiều dài 12.097,4m, tổng kinh phí hơn 11.487 triệu đồng.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện khá tốt, tiếp tục giải quyết nhà ở, quan tâm chăm lo đời sống cho người nghèo. Bên cạnh đó, chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông cơ bản được giữ vững, giao quân nghĩa vụ quân sự đạt yêu cầu...
Với kết quả hoạt động khá toàn diện trên các lĩnh vực, Phú Quý đang phấn đấu trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm nhất. Chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ, sự quản lý, điều hành của HĐND và UBND huyện, cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ và nhân dân địa phương, Phú Quý sẽ sớm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra./.