Tin mới nhất

Cảm xúc về Ngày Nhà giáo Việt Nam

Từ ngàn xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo nên có nhiều câu tục ngữ, thành ngữ nói về mối quan hệ thầy trò như:“Không thầy đố mày làm nên”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”… để khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội, đức tính hiếu học của nhân dân ta.

Ở thời đại nào cũng vậy, mỗi người sinh ra, lớn lên đều cần đến sự học. Và dù học dưới hình thức nào đi chăng nữa thì người thầy vẫn luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Vì thế, địa vị của người thầy trong xã hội luôn được đề cao. Thành công của trò có một phần lớn công lao của thầy cô giáo.

Ngày 20.11 hàng năm là ngày để xã hội tôn vinh địa vị của người thầy, người gieo mầm, khai sáng trí tuệ cho lớp lớp những người con phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, mang nhiều hoa thơm, trái ngọt cho đời, là dịp để thế hệ học trò tri ân về những người dìu dắt mình đến bến đậu của cuộc đời. Làm sao có thể nói hết những nghĩa tình sâu nặng đó “Lòng sông sâu con sào dài đo được, công ơn thầy ai đếm được sự bao la”. Để khẳng định tầm quan trọng, sự cao quý của nghề dạy học có rất nhiều câu nói đề cập đến vấn đề này: Nếu như Cômenxki viết “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quí hơn nghề dạy học” thì cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”.

Thời phong kiến, trong quan hệ tôn ti, người thầy chỉ xếp sau Vua nhưng trước bậc sinh thành: “ Quân - Sư - Phụ” bởi lẽ, người thầy vừa khai tâm vừa khai trí cho lớp trẻ, “người thầy không những dạy chữ mà còn dạy đạo lí làm người” (Nguyễn Trãi). Cách đây hơn 200 năm, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ - Võ Trường Toản đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của những người làm nghề giáo, đó là đạo lý “Lương sư, hưng quốc”; trong tinh thần đó, vinh danh công lao của nhà giáo chính là bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã dạy mình, đồng thời thể hiện niềm tôn quý đối với truyền thống giáo dục, truyền thống văn hoá dân tộc. Hơn thế nữa, người thầy còn đào tạo bao thế hệ cho đất nước.

Thầy giáo Chu Văn An thế kỉ XIV là biểu tượng của nhân cách làm thầy - người thầy “Đạo cao, đức trọng”. Thế kỉ XV Thân Nhân Trung có bài “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Thế kỷ XX có người thầy của bậc thầy vĩ đại Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) trong chặng dừng chân trên bước hành trình đi tìm đường cứu nước. Khi nước nhà giành độc lập, Người đã sáng lập ra nền giáo dục cách mạng. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Người đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Điều mà Bác Hồ gửi gắm tương lai của đất nước vào công học tập của các em cũng có nghĩa là gửi gắm vào vai trò của người thầy giáo.

Người thầy hôm nay là nhân vật trung tâm của xã hội hiện đại; những nhà giáo của chúng ta tự hào với danh hiệu “Kỹ sư tâm hồn”, luôn giữ vững phẩm chất trong sạch và là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Hy vọng rằng mỗi thầy cô giáo sẽ luôn làm đúng thiên chức và trách nhiệm của mình mà Đảng và nhân dân đã giao phó.

Trong ngày hôm nay, ngày thiêng liêng, cao quí này, tôi xin được nói lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất đến những thầy cô giáo đã cho tôi được như hôm nay, được làm người kế tục sự nghiệp của người thầy và để hiểu hết những gian lao, khó nhọc của nghề giáo nhưng cũng đầy cao cả và quí giá biết nhường nào./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số