Tin mới nhất

45 năm thực hiện lời dặn Bác Hồ trước lúc đi xa

Hướng đến kỷ niệm 69 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 45 năm ngày mất Bác Hồ (02/9/1969 - 02/9/2014) chúng ta lại có dịp hồi tưởng lại những giây phút cuối cùng trong cuộc đời Bác Hồ trước lúc đi xa.

Hiếm thấy trong lịch sử có vị lãnh tụ nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng không có vị lãnh tụ nào gần dân, thương dân như Bác. Người đã hiến dâng tất cả tình cảm và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân chỉ với một mong muốn cao cả là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đến ngay cả những phút cuối cùng của cuộc đời, mà Người vẫn không nguôi nghĩ cho dân cho nước. Và trước khi bước vào cõi vĩnh hằng, Người đã để lại lời nhắn nhủ cùng trách nhiệm có ý nghĩa ngàn đời với tất cả người dân Việt Nam chúng ta.

Trước lúc đi xa, Người thèm được nghe một câu hò Huế, một làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh và một khúc hát dân ca quan họ Bắc Ninh không phải chỉ để nghe hát mà chính là để mang cả xứ sở, hình ảnh miền Nam yêu thương vào cuộc trường sinh. Qua đó cũng cho ta thấy một ý nghĩa sâu xa: Bác mong muốn toàn dân tộc luôn đoàn kết, đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, đó là chân lý và truyền thống ngàn đời của dân tộc ta. Bên cạnh đó còn là lời nhắn nhủ mang ý nghĩa nhân văn cao cả: Hãy giữ gìn những làn điệu dân ca - giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ước muốn cuối đời của Bác thật bình dị, nhưng đề lại một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, lớn lao, một lời dặn dò cảm động với non sông đất nước.

Lời dặn dò của Bác đến nay vẫn còn giá trị hơn bao giờ hết, đặt trách nhiệm lên vai tất cả chúng ta, dù đi đâu, về đâu, hãy đừng quên những khúc hát dân ca quê nhà. Biết nâng niu, gìn giữ và phát triển những giá trị tinh thần mà cha ông ta để lại. Chúng ta biết yêu, biết hát những làn điệu dân ca quê hương cũng chính là chúng ta biết yêu đất nước, yêu Tổ quốc mình. Bởi khúc hát dân ca là nơi lắng động của tình yêu, tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc. Nó là điểm tựa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII  về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa tinh thần được Unessco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: Ca trù, hát xoan, dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế hay đờn ca tài tử Nam bộ… Có thể thấy, những làn điệu dân ca ấy vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu ở khắp mọi miền Tổ quốc. Từ hải đảo xa xôi đến những vùng quê hẻo lánh và cả những người con đất Việt ở nước ngoài, đâu đâu cũng có thể nghe những khúc hát ngọt ngào, cũng nghe tiếng gọi của hồn quê sâu lắng.

Điều này chứng tỏ sức sống mãnh liệt của các giá trị vĩnh hằng mà cha ông ta để lại, trong đó có các làn điệu dân ca. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân với di sản dân tộc, với lời nhắn nhủ của Người.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sự giao thoa về văn hóa diễn ra mạnh mẽ bên cạnh làm phong phú thêm đời sống tinh thần cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự du nhập của những dạng thức văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc, mà đối tượng dễ ảnh hưởng nhất là giới trẻ. Một bộ phận giới trẻ bây giờ thích nghe nhạc trẻ sôi động, nhạc nước ngoài hơn là các làn điệu dân ca truyền thống. Thế nên, câu hỏi đặt ra là liệu giới trẻ ngày nay có nhận thức được tầm quan trọng cũng như ý thức trách nhiệm của mình để giữ gìn và phát huy những làn điệu dân ca, những lời ca câu hát ngọt ngào du dương đã từng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của biết bao thế hệ.

Dù thế nào, chúng ta vẫn tin tưởng rằng đó là những giá trị trường tồn với thời gian cùng với đất nước, với dân tộc. Chúng ta quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Làm sao để mỗi người dân Việt Nam thấm nhuần từng lời dạy của Bác Hồ, học tập và làm theo tấm gương của Bác ở mọi ngóc ngách của cuộc sống. Làm sao để mỗi người chúng ta nhìn vào tấm gương của Bác cố gắng làm điều gì đó có ích, dù là nhỏ nhoi thôi cũng là xứng đáng với Bác.

Tuy Bác Hồ đã vào cõi vĩnh hằng, nhưng Người vẫn dẫn dắt dân tộc Việt Nam. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn ở bên cạnh. Người vẫn sỗng mãi với non sông, đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người sẽ mãi khắc sâu trong trái tim khối óc mỗi người dân Việt Nam. Lần đầu tiên tôi có dịp đọc câu chuyện kể lại những giây phút cuối đời trước khi Người đi xa, tôi vô cùng xúc động. Câu chuyện đó, hình ảnh đó, lời dạy nhắn nhủ đó của Bác sẽ mãi mãi trong tim, theo tôi cùng lời ca, tiếng hát.

… Lúc chia ly lời di chúc đơn sơ

Bác muốn non sông đinh ninh lời dặn dò

Rằng: đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca…”


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số