Tin mới nhất

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

Bác Hồ viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”[1]. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”[2]. Nhìn lại tiến trình lịch sử của dân tộc ta và của nhân loại, chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn và sâu sắc của chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.

 

 

 

Đối với dân tộc ta, chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân xâm lược Pháp, là chỗ dựa vững chắc, tạo nên lực lượng, ý chí, niềm tin và kinh nghiệm để quân và dân ta tiến lên, đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, thống nhất hoàn toàn, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trên phạm vi thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa thức tỉnh, ngẩng cao đầu và tạo niềm tin cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Với chiến thắng  Điện Biên Phủ, Việt Nam trở thành nước đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ bắt nguồn sâu xa từ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường, bất khuất, trí thông minh sáng tạo; tình đoàn kết nhân ái được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta. Từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ tinh thần chiến đấu đầy dũng cảm và mưu trí sáng tạo của quân và dân ta; từ sự phối hợp chiến đấu của nhân dân 2 nước Lào, Campuchia anh em, sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc, Liên Xô và sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, kể cả nhân dân Pháp.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải học tập và phát huy tinh thần bất diệt của chiến thắng Điện Biên Phủ vào sự nghiệpxây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trước hết, phát huy lòng yêu nước. Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, lòng yêu nước là yếu tố cốt lõi chi phối đời sống tinh thần, là nền tảng tạo nên tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, bản lĩnh này đã góp phần mang lại chiến thắng vĩ đại chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, trong quá trình hội nhập quốc tế, đất nước ta đã, đang phải đối mặt với những thách thức mới, những hiểm họa mới. Vì vậy, lòng yêu nước cần được đặt ra những nội hàm và cách thức thể hiện mới. Lòng yêu nước Việt Nam cần được thể hiện cao độ bằng sự sáng tạo, bằng mỗi việc làm trên tinh thần vì dân tộc, vì cộng đồng. Thách thức phía trước, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo trong từng bước đi, từng hành động, mỗi người dân nước Việt hãy kết thành khối vững chắc, thống nhất trong tư duy và hành động. Mỗi cá nhân trang bị cho mình một thái độ nghiêm túc trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, một ý chí vững vàng để đấu tranh, phản bác lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Mỗi cá nhân phải có những nổ lực vượt bậc trong rèn luyện và học tập, lập thành tích trên mọi lĩnh vực, mỗi việc làm cụ thể phải có lợi cho chính mình, cho cộng đồng, có ích cho đất nước, góp phần vào quá trình xây dựngmột nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam.

Thứ hai,phát huy tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những giá trị to lớn góp phần mang lại chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta xác định một trong tám mối quan hệ cần tập trung giải quyết là mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế, “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”[3]. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị này, chúng ta cần phải hiểu được bản chất của độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ không phải là biệt lập, khép kín, chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà gắn với đoàn kết, hợp tác quốc tế. Để giữ được độc lập, tự chủ cần luôn chủ động tham gia vào các tiến trình hoạt động quốc tế, với tư cách là người trong cuộc để đề xuất những sáng kiến của mình trong các thỏa thuận quốc tế. Mặt khác, cần luôn đề cao cảnh giác trong quan hệ đối ngoại, hợp tác. Tích cực thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa, “thêm bạn bớt thù”... cần có biện pháp thích hợp chống chủ nghĩa cơ hội về chính trị, sự lừa đảo về kinh tế; thực hành tốt tư tưởng “ngoại giao là một mặt trận”.

Thứ ba, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc (sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.Chúng ta phải luôn coi trọng nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết 54 dân tộc anh em, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước và đồng bào định cư ở nước ngoài, làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, phải thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đồng bào dân tộc. Thực sự mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tránh dân chủ hình thức, tạo nên sự nhất trí giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự gắn bó của người dân với chế độ xã hội, với lãnh đạo, như dân đã từng gắn bó với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Thực hiện dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương phép nước.Chỉ trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ và tham gia tự nguyện của nhân dân, giữ vững được lòng dân, ta mới giữ vững được ổn định chính trị, tạo nên sức mạnh đưa công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đến thành công.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần Điện Biên Phủ để xây dựng thành công xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

 


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.261.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.220

[3]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb  CTQG, Hà Nội, 2011, tr 72

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số