Tin mới nhất

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đề cương Cách mạng miền Nam

Cách đây 58 năm, vào tháng 8 năm 1956 ngay tại Sài gòn, ở số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), “Đề cương cách mạng miền Nam” - một văn kiện lịch sử có vai trò quan trọng đối với cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng nước ta nói chung đã ra đời, và người khởi thảo nên văn kiện ấy được người đời gọi là “Ngọn đèn hai trăm nến” bởi tầm cao của trí tuệ của mình, đó là Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết, chấm dứt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc ta; theo tinh thần của hiệp định, Việt Nam chia làm hai miền với vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời và sau hai năm, tức là đến tháng 7/1956 hai miền sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử để lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Nhưng lúc này, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam, từng bước gạt bỏ thực dân pháp, dựng lên chính quyền tay sai độc tài Ngô Đình Diệm. Chúng đã tiến hành phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ; âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta; chúng thẳng tay đàn áp, bắt bớ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta với những vụ đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của đồng bào ở Chợ Được, Vĩnh Trinh (Khu 5), Mỏ Cày (Bến Tre), Vĩnh Xuân (Vĩnh Long)…; dìm phong trào cách mạng miền Nam trong biển máu.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với vai trò là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và hơn tất cả là tình yêu, tấm lòng thủy chung, son sắt với đồng bào và cách mạng miền Nam, đã quyết định xin Bác Hồ và Trung ương ở lại miền Nam. Và trên chiếc tàu áp chót neo đậu ở thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), đồng chí Lê Duẩn lên tàu như người đi tập kết để che mắt kẻ thù, đến nửa đêm đồng chí bí mật rời tàu, quay trở lại.

Để bắt tay vào khởi thảo “Đề cương”, đồng chí Lê Duẫn đã không nề gian khổ, hy sinh bám sát phong trào quần chúng, lăn lộn cùng đồng chí, đồng bào, từ Đồng bằng Sông Cửu Long, thành phố Sài Gòn và miền Đông Nam bộ để nắm bắt thực tiễn một cách sâu sắc, hiểu được nỗi đau, sự hy sinh, tổn thất quá lớn của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam trước thủ đoạn tàn khốc của kẻ thù; giấc mơ về ngày đất nước thống nhất không còn. Lúc này vấn đề đặt ra là con đường phát triển của cách mạng miền Nam chỉ có thể là bằng con đường cách mạng: “Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ – Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”.

Và từ ngày 25/6/1956 đến tháng 8/1956, tại nội đô Sài Gòn-Chợ Lớn, với sự giúp đỡ và cộng tác của đồng chí Nguyễn Văn Linh và các đồng chí cán bộ Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành việc biên soạn “Đề cương cách mạng miền Nam”. Bản Đề cương gồm 5 phần: ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay; mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam; yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam; hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam và bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam.

Đề cương cách mạng miền Nam đã phân tích chính xác âm mưu, thủ đoạn và khả năng của Mỹ - ngụy; thái độ của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội miền Nam... xác định đối tượng của cách mạng miền Nam là đế quốc và phong kiến; kẻ thù cụ thể và trước mắt của cách mạng miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược, địa chủ phong kiến, tư sản mại bản phản động - tay sai của đế quốc Mỹ. Việc xác định đúng tính chất xã hội miền Nam, xác định đúng kẻ thù của cách mạng ở thời điểm đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tư duy sắc sảo và nhãn quan chính trị sáng suốt của đồng chí Lê Duẩn.

Về phương pháp đấu tranh thống nhất Tổ quốc, bản Đề cương nêu rõ, hiện nay vừa phải sử dụng đấu tranh hoà bình, vừa phải chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang khi tình hình thay đổi. Trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng để tiến lên đấu tranh vũ trang toàn diện.

Để tập hợp, xây dựng và phát triển rộng rãi lực lượng cách mạng Miền Nam, bản Đề cương nêu rõ chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam. Đề cương cũng nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng cho phù hợp với tình hình cụ thể ở miền Nam.

Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo là tiền đề quan trọng trong việc chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết 15 của Trung ương (năm 1959) và Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) về đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng ta; đã thể hiện tư duy sáng tạo, nhãn quan chính trị rộng lớn; tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng và nhân dân trước sự nghiệp cách mạng miền Nam và sự nghiệp chung của cách mạng cả nước cũng như lòng thủy chung, son sắt với đồng bào miền Nam của đồng chí Lê Duẩn./.

                                             


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số