Tin mới nhất

QUY ĐỊNH VỀ ĐOÀN THANH NIÊN QUA CÁC BẢN HIẾN PHÁP CỦA NƯỚC TA (TỪ NĂM 1946 ĐẾN NAY)

Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập cho đến nay, Việt Nam ta đã xây dựng được các bản Hiến pháp (Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Cùng với sự quan tâm đặc biệt với thế hệ thanh niên của Đảng, Nhà nước, của toàn dân ta qua các thời kỳ cách mạng, thanh niên nói chung, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nói riêng luôn luôn được ghi nhận qua các bản Hiến pháp của nước ta.

* Đối với Hiến pháp 1946

Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Hồ Chủ tịch đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng Hiến pháp,  bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Hiến pháp năm 1946 bao gồm 7 chương và 70 điều. Ngay trong chương I về “chính thể”, Điều 1, Hiến pháp đã quy định: “tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, cũng có thể hiểu rằng Hiến pháp cũng đã quy định rằng tất cả toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có cả thanh niên chính là người làm chủ đất nước, đều có quyền lực về tay mình. Tại Điều 7 và Điều 18 quy định: “tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”, “tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền”. Chính trong hai điều này cho thấy thanh niên có quyền bình đẳng trước pháp luật, có quyền tham gia hệ thống chính trị, tham gia xây dựng đất nước nếu có đủ đức và đủ tài.

Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp 1946 là một Hiến pháp dân chủ tiến bộ không kém bất kỳ một bản Hiến pháp nào trên thế giới. Mạch lạc và dễ hiểu với tất cả mọi người, tuy không nhắc đến thế hệ thanh niên thật kỹ càng nhưng đặt nền móng cho những bản Hiến pháp sau này quy định về Đoàn thanh niên.

* Hiến pháp 1959

Trong bối cảnh miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bắt tay vào con đường xây dựng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam phải đương đầu chiến đấu với Mỹ - ngụy. Bối cảnh lịch sử thay đổi, vì vậy trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Hiến pháp 1959 ra đời bao gồm 112 điều chia làm 10 chương.

Hiến pháp 1959 ghi rõ những thắng lợi cách mạng to lớn đã giành được trong thời gian qua và nêu rõ mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta trong giai đoạn mới, trong đó nhắc đến công tác thanh niên rõ hơn so với Hiến pháp 1946, đó là trong Điều 35: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục, thể dục”. Cho thấy sự quan tâm đến công tác thanh niên, giáo dục thanh niên hoàn thiện hơn nữa trong tình hình mới.

* Hiến pháp 1980

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước, thực hiện thống nhất Tổ quốc. Tháng 7 năm 1976, nước ta lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, cần có một bản Hiến pháp thể chế hoá đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới. Hiến pháp 1980 ra đời bao gồm 147 điều chia làm 12 chương. Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp này tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và tổ chức Đoàn thanh niên được nêu kỹ càng hơn trong bản Hiến pháp này.

Cụ thể tại Điều 9: “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – chế độ chính trị” có nhắc đến thanh niên “ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc - là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước”. Thể hiện vai trò cùa Đoàn thanh niên trong hệ thống chính trị, Điều 41: “Sự nghiệp giáo dục do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước chăm lo phát triển cân đối hệ thống giáo dục: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học; phát triển các trường dạy nghề... Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình và xã hội cùng với nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Quy định rõ trách nhiệm của Đoàn thanh niên trong giáo dục, văn hóa. Cũng như quan tâm hơn nữa với đội ngũ thanh niên, người làm chủ nước nhà trong tương lai, cụ thể tại Điều 66: “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động và giải trí, phát triển trí tuệ, năng khiếu và thể lực; chăm lo bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá”. Đã nhắc đến quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ của thanh niên trong giai đoạn mới của cách mạng.

* Hiến pháp 1992

Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Hiến pháp 1992 ra đời gồm 147 điều chia làm 12 chương

Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước,… Nhưng quan trọng nhất chính là dành riêng 2 điều cho công tác thanh niên. Đó là Điều 36: “Các đoàn thể nhân dân, trước hết là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, gia đình cùng nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Điều 66: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Thanh niên, tổ chức Đoàn thanh niên vai trò càng to lớn hơn, tiên phong đi đầu trong lao động, sáng tạo, bảo vệ đất nước cũng như góp phần xây dựng Đảng, đất nước.

* Hiến pháp 2013

Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, cùng với sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Hiến pháp 2013 ra đời bao gồm 11 chương và 120 điều. Trong đó, Đoàn thanh niên cũng đã được đề cập đến, được xác định rõ hơn nữa tại Khoản 2 Điều 9: “Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên…”. Và cũng tại Khoản 2, Điều 37: “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Trong Hiến pháp mới này, thanh niên được tạo điều kiện tối đa trong học tập, lao động… Và gắn với đó là trách nhiệm to lớn trên đôi vai của thế hệ trẻ, của thanh niên.

Mặc dù với Hiến pháp nào, nhưng thanh niên, tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vẫn luôn được nhắc đến. Cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên, đối với thế hệ trẻ. Và đi đôi với đó thanh niên, thế hệ trẻ của nước nhà sẽ phải luôn luôn nổ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện, lao động, sáng tạo để có thể kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông, lớp lớp thế hệ đi trước, trở thành rường cột của nước nhà, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số