Tin mới nhất

VẬN DỤNG MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 8 (KHÓA XI) TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ BÌNH THUẬN

Là đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy và UBND Tỉnh có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh theo chỉ tiêu được giao hàng năm. Thời gian qua, Trường Chính trị Bình Thuận đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Chính trị Bình Thuận  đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; việc vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường là một yêu cầu khách quan. Theo đó, nhà trường cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận; sự chỉ đạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung, chương trình đào tạo.

Hàng năm, nhà trường cần bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh theo nhiều loại hình khác nhau cũng như kinh phí đào tạo để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần xúc tiến hoạt động với các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường tại địa điểm mới theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

Ngoài ra, nhà trường cần bám sát nội dung chương trình do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành trong công tác giảng dạy. Thường xuyên cử giảng viên tham gia các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức theo yêu cầu của Học viện để kịp thời bổ sung những kiến thức mới vào bài giảng.

Hai là, phát triển đội ngũ giảng viên, chú trọng đạo đức nhà giáo.

Nhà trường tiếp tục tuyển chọn giảng viên cho các chuyên ngành còn thiếu theo phương châm công khai, khách quan; nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ công tác giúp đỡ chuyên viên giảng tập, giảng duyệt.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động dự giờ, thao giảng của đội ngũ giảng viên theo quy định của Học viện. Hàng năm, các giảng viên đều thực hiện thao giảng cấp khoa, cấp trường và dự giờ theo kế hoạch. Nhà trường cũng cần xây dựng quy chế đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên một cách bài bản, khách quan, trung thực; đồng thời, có kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giảng viên để nâng cao trình độ về mọi mặt theo yêu cầu. Chất lượng giảng dạy chính là một nội dung quan trọng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi giảng viên.

Tập thể VC nhà trường nói chung, đội ngũ giảng viên nói riêng cần không ngừng rèn luyện đạo đức nhà giáo theo những chuẩn mực đã được nhà trường ban hành. Những cá nhân vi phạm chuẩn mực nhà giáo sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và hình thức thi, kiểm tra.

Đội ngũ giảng viên cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực kết hợp với sử dụng phương tiện hiện đại trong giảng dạy để tăng tính hấp dẫn, có minh chứng cụ thể để thuyết phục người nghe. Đồng thời, sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực với phương châm lấy người học làm trung tâm, phát huy trí tuệ của người học sẽ làm môi trường học tập thân thiện, cởi mở. Do vậy, yêu cầu 100% giảng viên phải xây dựng và sử dụng giáo án điện tử cũng như phải tham gia các lớp tập huấn phương pháp giảng dạy tích cực do Học viện tổ chức.

Các hình thức thi và kiểm tra cần tiếp tục được đổi mới. Hàng năm, nhà trường cần tiếp tục rà soát ngân hàng đề thi theo hướng bổ sung đề thi mới và loại bỏ dần các đề thi đã được sử dụng nhiều lần. Các đề thi (đề mở) cần xây dựng theo dạng đề tổng hợp hoặc bán trắc nghiệm; có nội dung yêu cầu vận dụng hoặc liên hệ thực tế đòi hỏi người học phải có kiến thức rộng và suy nghĩ độc lập trong quá trình làm bài. Tránh trường hợp đề thi đơn thuần trong một vài nội dung của một chuyên đề, học viên cứ “sao chép” giáo trình là có điểm. Như vậy, kết quả chấm thi phải phản ánh đúng trình độ nhận thức của học viên, phải chấp nhận những kết quả thi hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu.

Bốn là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên.

Để tăng tính thuyết phục của bài giảng, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức thực tiễn. Những kiến thức đó được thu nhận từ các kênh thông tin đại chúng chính thống và từ những chuyến nghiên cứu thực tế tại các địa bàn trong hoặc ngoài tỉnh. Mỗi năm, từng khoa chuyên môn và từng giảng viên phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế với nội dung cụ thể, địa điểm và thời gian tiến hành trên cơ sở tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và chất lượng. Trưởng khoa là người chịu trách nhiệm về kế hoạch và chất lượng nghiên cứu thực tế của khoa. Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu thực tế là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại giảng viên cuối năm.

Công tác nghiên cứu khoa học tại Trường Chính trị Bình Thuận cũng cần tiếp tục được quan tâm và nâng cao chất lượng. Theo đó, các nội dung nghiên cứu khoa học phải đáp ứng yêu cầu bức xúc đang đặt ra từ công tác giảng dạy, công tác quản lý của nhà trường. Các giảng viên, cán bộ nghiên cứu cần mạnh dạn thực hiện đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh để đóng góp kết quả nghiên cứu trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn.  

Năm là, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đào tạo, góp phần xây dựng xã hội học tập và đổi mới cơ chế tài chính.

Bên cạnh việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chỉ tiêu được giao,  nhà trường tiếp tục mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức đa dạng theo yêu cầu đặc thù của các ngành, các địa phương, góp phần chuẩn hóa cán bộ và xây dựng xã hội học tập. Do vậy, cơ chế tài chính cũng được tiếp tục cải thiện theo nhiều hướng tích cực, có sự chủ động về tài chính của đơn vị.

Nhà trường cần tiếp tục quảng bá về thương hiệu, chương trình, nội dung giảng dạy và xây dựng mối quan hệ tốt với các ban, ngành, địa phương trong tỉnh để có được những sự ủng hộ tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; mạnh dạn đảm nhận những nội dung giảng dạy mới theo “đơn đặt hàng” của các đơn vị yêu cầu mở lớp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng sẽ góp phần cải thiện đời sống của đội ngũ viên chức nhà trường; qua đó, mối liên hệ giữa cá nhân và tập thể ngày càng được gắn kết bền chặt trong lợi ích chung, tránh được sự chảy máu chất xám từ đội ngũ giảng viên- một thực trạng đáng lưu ý trong những năm gần đây./. 

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số