Vào tháng 3/1975, quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức mở cuộc tổng tiến công trên toàn miền Nam đánh vào 3 hướng chính Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sau hơn một tháng chiến đấu, quân và dân ta đã nhanh chóng đập tan hệ thống phòng ngự của địch. Đến 1/5/1972, quân đội Việt Nam đã giải phóng được toàn bộ Quảng Trị. Bị mất Quảng Trị, giữa tháng 6/1972, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã dồn lực lượng phản công với sự tham gia của không quân và hải quân Hoa Kỳ để lấy lại ưu thế trên chiến trường và tái chiếm thị xã Quảng Trị.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị diễn ra trong suốt 81 ngày đêm (28/6 đến 16/9/1972) là một móc son chói lọi, là một bản anh hùng ca, là một chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh để giữ từng tấc đất tại thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến đấu ấy đã diễn ra vô cùng căng thẳng và ác liệt. Riêng ở khu vực Thành cổ Quảng Trị, Mỹ ném xuống đây với tổng số là 328.000 tấn bom đạn, có sức công phá tương đương với 7 quả bom nguyên tử, loại mà Mỹ ném xuống hai thành phố của nhật Bản, trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo.
Có thể nói rằng, để tạo nên thắng lợi của Thành cổ Quảng Trị là những hy sinh, mất mát của các đồng chí, các chiến sĩ đã không tiếc thân mình để bảo vệ, giữ vững từng tấc đất của Thành cổ, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Pari 1973 và đại thắng mùa xuân 1975. Đó còn là truyền thống đã tạo nên những con người bất tử, những con người đã đi vào huyền thoại như chiến sĩ Phan Van Ba bị nát một cánh ta vẫn xin ở lại chiến đấu, chiến sĩ Nguyễn Duy Bình bị thương mất một mắt đã tự băng bó để tiếp tục chiến đấu, không rời trận địa. Hay tinh thần chiến đấu của đồng chí Lê Binh Chủng cùng 6 đồng chí bị mắc kẹt trong hầm khi địch đánh bom, do hầm quá kiên cố nên không cứu các đồng chí ra được, giữa cái chết đang gần kề nhưng các đồng chí không nao núng, vẫn cổ vũ, động viên đồng đội chiến đấu với một tinh thần bất diệt “Địch đang tiến vào trận địa…chúng tôi nghe rõ bước chân của chúng…Chúng đang đi trên nóc hầm của chúng tôi…Yêu cầu các đồng chí dùng pháo bắn tấp nập và hãy bắn thẳng lên hầm của chúng tôi…Xin gởi lời chào chiến thắng và vĩnh biệt…”. Trong cuộc chiến đấu, mặc dù biết rằng mình đang ở nơi mà cái chết gần hơn sự sống nhưng họ vẫn ngời lên niềm tin chiến thắng, niềm tin để xoa dịu bớt phần nào nỗi đau của những mất mát, hy sinh trọn thân mình cho tổ quốc mai sau. Hơn 40 năm qua, bom đạn có thể giết chết sinh mạng con người nhưng không thể tiêu diệt được ý chí đấu tranh vì độc lập tự do của những người chiến đấu vì một lý tưởng, vì một con đường mà họ đã chọn. Hàng vạn người đã ngã xuống, xương máu của họ thấm vào từng tấc đất, hòa vào từng con sông để mỗi người dân hôm nay có thể hiểu hơn, thấm nhuần hơn những hy sinh cao cả của các chiến sĩ trên mọi miền đất nước. Cuộc chiến đã đi qua nhưng những hy sinh, mất mát, đau thương vẫn là một vết sẹo hằn sâu vào lòng người ở lại.
Nói về sự khốc liệt của cuộc chiến đấu. Báo Quân đội nhân dân 1972 viết “Mỗi mét vuông đất tại thành cổ Quảng trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử”. Vậy thì tại sao, vì lý do gì mà khiến cho hàng vạn người lính, người chiến sĩ bất chấp tất cả, không màng đến tính mạng của mình, sẵn sàng vượt sông Thạch Hãn lạnh buốt để bảo vệ Thành Cổ. Điều này được lý giải bởi lòng căm thù giặc, lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Người Việt Nam, là một dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất. Dân tộc ấy đã sinh ra những con người anh hùng vì nước quên thân. Cuộc đấu tranh của dân tộc ta từ ngàn đời nay rất đỗi hào hùng, nhưng cũng đầy đau thương và mất mát. Từng người một đã ngã xuống giữa Thành cổ Quảng Trị để mai này khi có dịp về lại Thành Cổ, nhìn xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, biểu tượng cho khát vọng độc lập tự do, chợt nhớ lại 4 câu thơ làm nao động lòng người.
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Trần Thị Lệ Thủy