Tin mới nhất

Giá trị nhân văn trong Tuyên ngôn Độc lập 02/9/1945

  • /
  • 27.8.2013 - 16:51

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945 không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã đánh dấu mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc, độc lập và tự do, dân chủ cho nhân dân. Mọi người được bình đẳng, bác ái, được sống, tự do và tìm được hạnh phúc, đó là những từ ngữ với nội hàm chất chứa những nội dung nhân văn lớn và sâu sắc mà hàng triệu triệu người mong đợi.

Tuyên ngôn Độc lập 2/9 được bắt đầu với một định đề triết học nhân văn dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: suy rộng ra, có nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Kế tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trích bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bác nói: “...nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Do vậy, ngay trong những năm tháng đầy thử thách, gian nan Bác thường sử dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để làm phương châm chỉ đạo cách mạng. Cụm từ “bất biến” theo Bác, là “lòng dân”. Từ “lòng dân”  mà chúng ta có mọi lực lượng, sức mạnh ? để “ứng vạn biến”! Và thực hiện di huấn của Người, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại thống nhất đất nước.

68 năm trôi qua, giá trị nhân văn, tư tưởng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 trở thành sức mạnh trí tuệ, đến ngay những kẻ thù thực dân xâm lược cũng phải tôn kính, cảm phục. Hơn thế nữa, tố chất nhân văn đã giúp Bác Hồ tập hợp và lập ra Nhà nước gồm những nhà trí thức trên nhiều lĩnh vực của quốc gia lúc bấy giờ. Đây chính là sự toả sáng của lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc, lòng yêu nước thương dân, niềm khát khao độc lập, tự do của cả dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ chân lý chính nghĩa, pháp lý đanh thép và đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do. Ánh sáng của Tuyên ngôn Độc lập đã khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Dụng Văn Duy

 


Tài liệu tham khảo

 - Bản Tuyên ngôn độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quãng trường Ba Đình, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.


  • |
  • 1528
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số