Tin mới nhất

VẤN ĐỀ ĐẢNG TRONG HIẾN PHÁP

  • /
  • 7.3.2013 - 17:16

Điều 4 của Dự thảo sửa đổi HP năm 1992 (xin viết tắt là Dự thảo SĐHP) xác định: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Việc đưa Điều 4 vào Hiến pháp là điều rất cần thiết. Mặc dù là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhưng Đảng không đứng trên hoặc ngoài vòng kỷ cương luật pháp mà vẫn được đặt trong khuôn khổ của HP và pháp luật như các thành viên khác của hệ thống chính trị ở nước ta, đồng thời để xác định trách nhiệm lãnh đạo của Đảng trước đất nước và nhân dân.

Những năm qua, các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội lên tiếng đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước ta. Trong đợt góp ý vào Dự thảo SĐHP hiện nay, một số người tự xưng đại diện cho tổ chức này, diễn đàn kia đưa ra những luận điệu; nào là chưa có nước nào đưa Đảng vào Hiến pháp; nào là kiến nghị bỏ Điều 4 của Hiến pháp và kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ độc quyền cai trị đất nước. Đòi hỏi vô lý như vậy, thực chất là nhằm hạ thấp hoặc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện đa nguyên, đa đảng nhằm gây mất ổn định chính trị ở nước ta. Ý đồ đó là của những người có quá khứ không đồng hành với lịch sử của dân tộc, với Đảng, hoặc không thỏa mãn tham vọng cá nhân nên tỏ ra hằn học. Thử hỏi những năm tháng đấu tranh gian khổ, ác liệt để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, biết bao đảng viên Cộng sản đã “độc quyền” vào nhà giam và “độc quyền” lên máy chém của thực dân, đế quốc. Khi sự “độc quyền” hy sinh xương máu đó tại sao không một thế lực nào đòi chia sẻ sự hy sinh với Đảng?

Xin hãy nhớ lại, lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi chưa có Đảng ra đời, đất nước đắm chìm trong đêm trường nô lệ của thực dân, phong kiến; nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than cơ cực “kiếp người cơm vãi, cơm rơi”. Trong bối cảnh đó các văn thân, sĩ phu yêu nước đứng lên cầm quân khởi nghĩa, nhưng rốt cuộc thất bại, vì thiếu đường lối đúng đắn của một chính đảng lãnh đạo. Không cam chịu nổi nhục của người dân mất nước, mất tự do, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác- Lênin và trở về nước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời (3/2/1930) đến nay, Đảng thực hiện sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao phó, lãnh đạo nhân dân ta làm nên lịch sử, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; đánh thắng những đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ, hoàn thành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều mà nhân dân ta và bạn bè quôc tế khâm phục đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện cục diện chính trị thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hầu hết đồng minh đã thay dòng đổi hướng, các thế lực thù địch ra sức tấn công phá hoại, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng đã kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên trì con đường XHCN, lãnh đạo công cuộc đổi mới ở nước ta, hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và đã giành được những thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, đối ngoại, nâng vị thế đất nước ta lên tầm cao mới. Tuy nhiên trong quá trình lãnh đạo của mình, có lúc Đảng phạm phải những sai lầm khuyết điểm, nhưng không giấu giếm và giám nhìn thẳng sự thật để khắc phục, sửa chữa. Hiện nay trước tệ nạn tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ đảng viên đã làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng, Đảng ta đã kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để làm trong sạch nội bộ và cũng cố lòng tin trong nhân dân đối với Đảng. Cần phải có cách nhìn khách quan, toàn diện về Đảng, không nên vin vào những “tỳ vết” để phủ nhận vai trò và công lao to lớn của Đảng đối với dân tộc, với đất nước và nhân dân. Ở nước ta, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lịch sử và nhân dân đã trao cho Đảng sứ mệnh cao cả đó.  Mục đích và lý tưởng của Đảng là đem lại lợi ích cho nhân dân, cho dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác. Vì vậy đòi bỏ Điều 4 của Hiến pháp, đòi hỏi Đảng ta từ bỏ vai trò lãnh đạo là điều không thể chấp nhận./.

                                                                                             Nguyễn Duy Hà


  • |
  • 932
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số