Tin mới nhất

HƯỚNG TỚI NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10/1930 - 20/10/2012)

  • /
  • 19.10.2012 - 15:26

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu và không thể thay thế; sinh ra trong một nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng trồng lúa nước và thủ công nghiệp, nên họ đã trở thành lực lượng lao động chính. Từ thực tế đó, người phụ nữ Việt Nam với bản sắc phong cách riêng: là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; đồng thời là người chiến sĩ chống giặc ngoại xâm kiên cường dũng cảm; người nghệ sĩ bảo vệ, giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc; là người chủ gia đình: dịu hiền, đảm đang, trung hậu; người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng.

 Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất, họ luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi với cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào các phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du; còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như: chị Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi “Nam nữ bình quyền”, Đảng sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đặt ra yêu cầu: phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và cần thiết thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ. Chính vì vậy, ngày 20/10/1930 Hội phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này nói lên quan điểm của Đảng ta đối với vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ và đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Qua các thời kỳ cách mạng, phụ nữ Việt Nam đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Hội Phụ nữ giải phóng (1930- 1935); Hội Phụ nữ dân chủ ( (1936-1939); Hội Phụ nữ phản đế (1939-1941); Đoàn Phụ nữ cứu quốc (1941-1945) và Hội Liên hiệp phụ nữ từ tháng 10/1946 đến nay. Mặc dù tên gọi có nhiều thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của cách mạng, nhưng trước sau vẫn là tổ chức kiên trung của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

          Trải qua 82 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cách mạng, tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc, viết nên truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam. Tổ quốc ta, dân tộc ta không bao giờ quên ơn những đóng góp to lớn của các mẹ, các chị đã cống hiến công sức, xương máu và người thân yêu nhất của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Tại Bình Thuận, trong những năm kháng chiến đã có hàng chục ngàn chị em tham gia chiến đấu, khiêng thương, tải đạn, làm giao liên và nuôi dấu cán bộ. Nhiều chị bị địch bắt tù đày tra tấn dã man, nhưng vẫn kiên trung bảo vệ Đảng, bảo vệ tổ chức cách mạng và anh dũng chiến đấu hy sinh như: Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Khá, mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Ngư, anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thị Mai,.. . Toàn tỉnh có trên 1.000 nữ liệt sĩ, trên 700 bà mẹ Việt Nam anh hùng, những chiến công hy sinh của các mẹ, các chị đã để lại lòng tôn kính, niềm tự hào cho phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Bình Thuận nói riêng.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, các mẹ, các chị vẫn phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động của Hội ở địa phương, góp phần xây dựng phong trào phụ nữ tỉnh nhà ngày càng vững mạnh. Công lao và sự cống hiến, đóng góp to lớn của các mẹ, các chị luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao và tôn trọng, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã khen tặng “ Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt của mình, phụ nữ Trường Chính trị Bình Thuận ngày càng phát triển vững mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ vừa qua (2010 - 2012), hoạt động của Ban nữ công nhà trường luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; mỗi thành viên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, động viên nhau nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giảng dạy của từng khoa, công tác chuyên môn của từng phòng, góp phần vào thành tích chung của nhà trường; đồng thời tích cực thực hiện tốt phong trào thi đua do các tổ chức phát động. Điều đó thể hiện qua các hoạt động thiết thực như: tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống, tọa đàm, thi tìm hiểu kiến thức về gia đình, thi cắm hoa, thi hát Karaoke giữa nữ Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận với 03 tổ nữ công nhà trường và nữ học viên các lớp học tại trường, tổ chức đi tham quan nghiên cứu thực tế tại Sea LinK - Phan Thiết. Duy trì thường xuyên nhóm tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế gia đình với số tiền xoay vòng là 3,2 triệu đồng/tháng; 04 lượt chị được vay vốn từ quỹ trợ vốn vì nữ công nhân lao động nghèo do Liên đoàn lao động tỉnh quản lý với số tiền là 4 triệu đồng, góp một phần nhỏ cải thiện đời sống gia đình. Tổ chức triển khai phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; kết quả có 02 chị được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 02 chị được tặng bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, 01 chị được Giám đốc Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen giảng viên dạy giỏi xuất sắc lần thứ 4 - năm 2011, 10 lượt chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 32 lượt chị đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và 20 lượt chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp cơ sở.

Để hoạt động của Ban nữ công nhà trường trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:

          1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho hội viên gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

          2. Không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, tranh thủ phối hợp với Ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” nhà trường đưa hoạt động nữ công thành nề nếp.

          3. Duy trì và phát huy các mô hình hoạt động của Ban nữ công nhà trường, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

          4. Giữ vững danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

                                                                                              Văn Thị Thanh Hà


  • |
  • 964
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số