Tin mới nhất

GIÁ TRỊ CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - NGÀY 2/9/1945

  • /
  • 14.8.2012 - 10:57

Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ách xiềng xích của chế độ thực dân ngót 100 năm trên đất nước ta, là lời tuyên bố công khai với thế giới về vị thế của quốc gia dân tộc Việt Nam độc lập, có chủ quyền.

 Đây là một văn kiện lịch sử chính trị vô cùng sâu sắc, có giá trị thời đại lớn lao, có thể khái quát ở mấy vấn đề chính sau:

Một là, Tuyên ngôn độc lập khẳng định chân lý quyền được sống, quyền được tự do, bình đẳng, quyền được mưu cầu hạnh phúc của dân tộc Việt Nam cũng như của mọi dân tộc khác trên thế giới.

 Bản Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng lời nói bất hủ của Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ - năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp - năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Chính vì vậy, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách đanh thép: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Hai là, Tuyên ngôn độc lập là bản cáo trạng tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít đối với đồng bào ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ: “hơn 80 năm bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta... chúng thi hành những luật pháp dã man”. “Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà, chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học... chúng thi hành chính sách ngu dân... chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý... chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn...”. Chủ tịch Hồ Chủ tịch viết: “Ngày 9 tháng 3 năm nay (1945), Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc được đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Khi thua chạy, “bọn thực dân Pháp, đã thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa... chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

Ba là, Tuyên ngôn độc lập là những tuyên bố có tính lịch sử của một dân tộc giành được tự do, độc lập, có chủ quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Chính vì vậy dân tộc ấy mà đại diện là Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam tuyên bố những vấn đề trọng đại về quyền của một đất nước, một dân tộc khi lật đổ ách xích xiềng giành quyền độc lập cho dân tộc, cho đất nước.

 Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định sâu sắc và mạnh mẽ như một lời thề: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”. Thực hiện lời thề đó, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh lâu dài hàng mấy chục năm dù phải chịu đựng những hy sinh to lớn để giữ vững độc lập và tự do. Ngày nay, cũng với tinh thần ấy, toàn thể nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, như Điều 1 và Điều 13, Hiến pháp năm 1992 của nước ta đã khẳng định.

Tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do, dân chủ cho nhân dân, quyền của con người mà Bản Tuyên ngôn độc lập đã nêu vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, chúng ta đang phấn đấu để xây dựng “Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cũng chính là thực hiện và phát triển những tư tưởng của Bản Tuyên ngôn độc lập - năm 1945.


          Tài liệu tham khảo

          - Bản Tuyên ngôn độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quãng trường Ba Đình, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

            - Điều 1 và Điều 13, Hiến pháp năm 1992 của Nước CHXHCN Việt Nam.

            - Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

- PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc: Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tạp chí Cộng sản số 21 - năm 2002.

 ThS. Dụng Văn Duy

Trưởng khoa Dân vận

 


  • |
  • 857
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số