Tin mới nhất

TỪ “TỰ CHỈ TRÍCH” ĐẾN TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ BCH TW 4, KHÓA XI

  • /
  • 4.7.2012 - 16:55

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lý luận tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc vạch ra chiến lược và sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị và tổ chức.

 Là Tổng Bí thư của Đảng thời kỳ 1938- 1941, đồng chí đã viết cuốn sách “Tự chỉ trích”, một tác phẩm lý luận mẫu mực về tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Với tinh thần “Tự chỉ trích”, đồng chí đã nêu rõ: "Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bônsơvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, nhằm đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng…gieo mối hoài nghi, trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng. ..Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi…như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Với tinh thần ấy, tác phẩm "Tự chỉ trích" đã trở thành một tài liệu giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Hơn 70 năm qua “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một tác phẩm lý luận chính trị nổi tiếng, nó không chỉ có giá trị củng cố niềm tin, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động toàn Đảng lúc bấy giờ, mà còn có giá trị thực tiễn to lớn đối với Đảng ta trong mọi thời kỳ về xây dựng củng cố sự đoàn kết thống nhất và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập hiện nay, đặc biệt trong lúc này Đảng ta đang thực hiện những giải pháp cấp bách về xây dựng Đảng được nêu ra từ Hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ Tư, khóa XI thì việc vận dụng tinh thần cốt lõi của tác phẩm  “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó chính là vấn đề tự phê bình và phê bình vào việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng là điều có ý nghĩa hết sức to lớn và thiết thực đối với Đảng ta. Bởi mục đích, động cơ  đúng đắn của của phê bình và tự phê bình, theo “Tự chỉ trích” là làm cho Đảng ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng . Tự  phê bình và phê bình nhằm “để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và cũng cố, đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi” .

 Bác Hồ và Đảng ta luôn coi tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, một quy luật trong quá trình tồn tại và phát triển của Đảng, Người đã chỉ rõ: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng”..

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhấn mạnh tự phê bình và phê bình,  đặt ra rất cụ thể phải tiến hành sâu rộng trong toàn Đảng từ trên xuống, từ dưới lên.

Để thực hiện nhóm các giải pháp tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQ TW 4 một cách có hiệu quả, cần tập trung  những điểm chính sau.

Thứ nhất, , nhận rõ tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, là quy luật của quá trình tồn tại, phát triển của Đảng, thực hiện lời Bác Hồ dạy, coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, hàng ngày của mỗi người. Không nên coi phê bình, tự phê bình là “có vấn đề”. Do vậy phải có động cơ đúng trong tự phê bình và phê bình. Người được phê bình và người phê bình đều vì sự tiến bộ, sự trong sạch của bản thân, của đồng chí và của toàn Đảng.

Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa tự phê bình và phê bình. Đây là hai mặt của một vấn đề, không tách rời nhau. Chỉ có tự phê bình tốt, có mục đích, động cơ, thái độ tốt thì khi phê bình người khác mới chân thực, chính xác, khách quan, trong sáng, lành mạnh. Nội dung phê bình phải sâu sắc, chính xác và người được phê bình phải nghiêm túc thấy rõ trách nhiệm cá nhân với Đảng, với dân, với nước. Người có trách nhiệm càng cao, trách nhiệm này phải càng lớn.

Thứ ba, kết quả của việc phê bình, tự phê bình là sự tiếp thu, chuyển biến tốt, khắc phục hạn chế, phát huy vai trò cá nhân trong cương vị của mình. Người phê bình và người được phê bình phải tin nhau, quý nhau, vì sự tiến bộ của nhau, không chủ quan, cố chấp, thiếu khách quan thiếu trách nhiệm, mà phải thật sự có lý, có tình, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau như Bác Hồ đã căn dặn.

Thứ tư, Người được phê bình cần nghiêm túc kiểm tra, xem xét kỹ những nội dung được góp ý, phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đúng, kiên quyết sửa chữa, khắc phục trong thời hạn nhất định, không bảo thủ, không tự ái cá nhân, không từ chối khuyết điểm, định kiến với người phê bình, coi thường tập thể, coi thường tổ chức.

Thứ năm, các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng qua theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự phê và phê bình ở các tổ chức cơ sở Đảng và trong từng Chi bộ, và trong đội ngũ đảng viên thuộc mình quản lý. Cần có những quy định cụ thể, gắn với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của người được phê bình và định thời gian khắc phục, nếu họ không tiếp thu, không khắc phục cần phải có hình thức, biện pháp xử lý nghiêm minh.

Thứ sáu, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia kiểm tra, kiểm soát, phê bình góp ý cho cán bộ, đảng viên. Cần coi trọng vấn đề này vì nhân dân là lực lượng đông đảo, rộng khắp, họ thấy rõ, thấy đầy đủ những thiếu sót cần phải phê bình góp ý cụ thể cho ai, góp cái gì, góp thế nào. Thực hiện vấn đề này là điều chúng ta đã làm đúng theo tinh thần trong “Tự chỉ trích”,  đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng nêu lên trách nhiệm của các đảng viên: “Ta còn phải làm nhiều việc nữa, làm việc không ngớt để lan rộng ảnh hưởng Đảng trong những tầng lớp dân chúng rất đông đúc chưa giác ngộ, để lôi kéo những đám quần chúng lớn lao xưa nay vẫn nằm yên hay lãnh đạm, rụt rè, tham gia vào sinh hoạt chính trị, để lôi kéo họ ra trường tranh đấu, để cho lực lượng tổ chức của ta theo kịp ảnh hưởng lan rộng ấy, để gây cơ sở vững chãi trong quảng đại quần chúng, làm cho Đảng thành một Đảng chân chính của quần chúng…”.

Lúc này  toàn Đảng, toàn dân coi việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên thật sự là vấn đề cấp bách của xây dựng Đảng hiện nay. Mặc dù việc làm này rất khó, phức tạp, nó đụng đến danh dự, lợi ích của cá nhân con người. Nhưng làm như thế là để bảo vệ danh dự, lợi ích của Đảng, của nhân dân; không để vì danh dự lợi ích của cá nhân ai đó làm mất đi lợi ích của nhân dân, làm hoen ố danh dự của Đảng. Vì thế đây là cuộc đấu tranh, là sinh hoạt tư tưởng tất yếu của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng hiện nay./.  

                                                                                                  Thạc sĩ Nguyễn Duy Hà


  • |
  • 809
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số