Tin mới nhất

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ BÌNH THUẬN VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ

  • /
  • 23.11.2012 - 16:8

Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại những chặng đường đầy tự hào vinh quang của nhiều lớp thế hệ đã cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng cán bộ. Với tinh thần vượt khó, ý chí kiên định, tâm huyết với nghề, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, thầy cô giáo, viên chức nhà trường đã vượt qua những chặng đường ác liệt chông gai, thách thức, bộn bề khó khăn để vững bước trưởng thành phát triển

 Giai đoạn đầy khó khăn chông gai ác liệt nhất, đó là từ năm 1962 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (tháng 4 - 1975).

Trong bối cảnh chung cả nước và miền Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà cụ thể là chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961-1965); đó là kế hoạch Stalây - Taylo bình định miền Nam trong vòng 18 tháng (1961-1962). Trước yêu cầu mở rộng và duy trì phong trào cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng trong toàn tỉnh; việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đặt ra ngày càng lớn. Mặt khác, thực lực phát triển, cán bộ chủ chốt ở cơ sở của tỉnh Bình Thuận cũng từng bước lớn mạnh. Từ đó, công tác huấn học phải được đặc biệt quan tâm, do đó Tỉnh ủy Bình Thuận quyết định thành lập Trường Đảng tỉnh Bình Thuận - lấy tên Trường Trần Phú ( năm 1962)  nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, vừa chống giặc càn quét, trường phải di chuyển nhiều nơi vừa phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ là huấn luyện cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng chống các loại chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ: “chiến tranh đặc biêt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 -1973) dùng người Việt đánh người Việt với kết hợp 3 loại chiến tranh: giành dân - bóp nghẹt - hủy diệt. Đông thời huấn luyện cán bộ, giữ vững niềm tin, góp phần vào chiến thắng đánh cho Mỹ buộc phải ký kết “Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và rút quân về nước. Miền Nam vẫn chưa có hòa bình, chính quyền tay sai Sài Gòn ngang nhiên xé bỏ Hiệp định Paris, tiến hành lấn chiếm vùng giải phóng. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy trường Đảng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ  thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc, buộc địch ngừng bắn, chấp hành Hiệp định Paris, trừng trị địch vi phạm Hiệp định Paris và tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Hơn 12 năm đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện được khoảng 25 khóa với hơn 1000 đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cốt cán, cơ sở cách mạng dũng cảm, trung kiên, mưu trí, sáng tạo, dám và biết hy sinh, chiến đấu góp phần chiến thắng quân thù , giải phóng quê hương. Đó là điều lịch sử mãi mãi ghi nhận và tự hào ở giai đoạn vượt qua ác liệt của chiến tranh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cán bộ.

Giai đoạn sau giải phóng Bình Thuận đến chia tách tỉnh Thuận Hải thành Bình Thuận, Ninh Thuận (5/1975 - 4/1992)

Thời kỳ 1975 – 1986, sau khi quê hương được giải phóng, Trường Đảng Bình Thuận vừa xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng, vừa mở lớp huấn luyện, vừa tham gia các hoạt động đột xuất do Tỉnh ủy điều động. Ở thời kỳ này có hai khó khăn tác động lớn đến hoạt động nhà trường; đó là, cuối năm 1978 chính quyền Pôn pốt- Campuchia mở cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn chống Việt Nam, Trung Quốc cắt viện trợ, rút chuyên gia và tháng 2/1979 Trung Quốc đem 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới; do đó, việc xây dựng trường phải dừng lại vì thiếu kinh phí (chỉ xây dựng được Hội trường A và nhà ăn), tình hình đời sống cán bộ, viên chức gặp khó khăn, buộc phải tăng gia sản xuất tự túc một phần lương thực. Một khó khăn khác tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị lúc bấy giờ là chủ quan, duy ý chí, nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa đã làm trái quy luật về quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, đưa quan hệ sản xuất phát triển quá cao, quá xa trong khi lực lượng sản xuất còn thấp kém lạc hậu. Do đó, công tác tư tưởng, lý luận bộc lộ sự lạc hậu, nhất là nhận thức và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chưa nhận thức rõ những đặc trưng cơ bản của thời kỳ quá độ để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam một cách có hiệu quả.

Về lực lượng cán bộ, giảng viên còn quá mỏng, do đó phải lần lượt bổ sung do Trung ương tăng cường, quân đội chuyển sang, tỉnh bạn chi viện và tuyển dụng tại chỗ; trong đó lực lượng giảng dạy chỉ chiếm 1/3. Thấy được tính cấp thiết này, Ban giám hiệu đề ra chủ trương tăng cường lực lượng giảng viên cả về số lượng lẫn chất lượng, cả trước mắt và lâu dài, vừa trẻ khỏe vừa say sưa với nghề nghiệp. Vì vậy, vừa đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cho Trường trong số học viên mới tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị, vừa đào tạo một lớp giảng viên cho trường Đảng huyện (67 học viên), đây là nhiệm vụ mới mẽ, khó khăn và lần đầu thực hiện .

Thời kỳ 1986 - 1992, với tinh thần “Dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói đúng sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng xác định đường lối đổi mới trên cơ sở đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội để vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Khắc phục sự lạc hậu về nhận thức lý luận với những quan điểm sai lầm, lỗi thời, tư duy giáo điều, bảo thủ, cứng nhắc, thiếu năng động, chủ quan nóng vội. Đứng trước thực tiễn và hoản cảnh mới Trường Đảng phải “cải cách toàn diện”, “nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp”, “mở rộng hình thức học tập tại chức, tổ chức cho hàng triệu cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên học tập chủ nghĩa Mác - Lênin”. Thời kỳ này nhà trường lại đứng trước khó khăn mới cần  vượt qua; đó là: hệ thống Trường Đảng trên cả nước chưa có giáo trình, theo đường lối đổi mới của Đảng; hình thức tổ chức của trường có sự thay đổi, Trường lý luận chính trị tại chức được thành lập ( 21/1/1987) do đó, Trường Đảng Thuận Hải phải san sẻ, làm cho cơ sở vật chất bị chia nhỏ, chật vật, thiếu thốn, lực lượng cán bộ, giảng viên lại càng thiếu trầm trọng và Trường lý luận chính trị tại chức tồn tại hơn 2 năm lại sát nhập vào Trường Đảng Thuận Hải (21/5/1989); cơ quan quản lý chuyên môn, nghiệp vụ cấp trên là Ban văn hóa - tư tưởng Trung ương chuyển cho Học viện Nguyễn Ái Quốc quản lý trường Đảng. Nội bộ nhà trường chưa thật sự đoàn kết kéo dài, có lúc trở nên trầm trọng, làm Tỉnh ủy bận tâm, học viên thiếu phấn khởi, uy tín nhà trường giảm sút. Khó khăn chồng chất khó khăn, sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, mà nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, đó là: trong cải tổ, cải cách, đổi mới mắc sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức, kinh tế, quân sự, ngoại giao…Đường lối xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ không ngừng tiến công bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” với mục tiêu là xóa bỏ chủ nghĩa xã hội với tư cách là một xu thế, một con đường phát triển của xã hội loài người, một hệ thống giá trị và lý tưởng xã hội; do đó, chúng xem phá hoại chính trị tư tưởng là mặt trận nóng bỏng hàng đầu, là khâu “đột phá”, tập trung đánh thẳng vào cơ sở lý luận của các Đảng Cộng sản là chủ nghĩa Mác - Lênin, công khai đòi từ bỏ chuyên chính vô sản, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hoàn cảnh và biến động nhiều mặt của thời kỳ này đã tác động lớn và sâu sắc đến đội ngũ cán bộ, giảng viên cả trong khoa học giáo dục lý luận chính trị lẫn tư tưởng, tình cảm và niềm tin trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin luôn được giữ vững đội ngũ cán bộ ,thầy-cô giáo đã vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Giai đoạn 1992 -2012. Tháng 12/1991, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ra Nghị quyết chia tách tỉnh Thuận hải thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Theo đó Trường Đảng Thuận Hải phải chia tách thành Trường Đảng Bình Thuận và Trường Đảng Ninh Thuận. Một khó khăn mới phát sinh đó là: Phương tiện, công cụ, trang thiết bị, tài liệu, tư liệu, sách giáo trình, tạp chí được chia ra và ưu tiên cho Trường Đảng Ninh Thuận chọn loại tốt; số lượng cán bộ và giảng viên bị giảm xuống vì được động viên tự nguyện về Trường Đảng Ninh Thuận. Cơ sở vật chất, khuôn viên trường tiếp tục nhỏ hẹp lại, vì chủ trương của tỉnh phải có trường sư phạm để kịp thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cấp tốc giáo viên cho ngành giáo dục; do đó, trường Đảng Bình Thuận phải san sẻ 1/3 diện tích đất và cơ sở vật chất để thành lập Trường trung học sư phạm nay là Trường cao đẳng cộng đồng ( năm 1992). Từ hiện trạng cơ sở vật chất nêu trên, Tỉnh ủy chủ trương xây dựng thêm nhà ở cho học viên với dãy nhà 1 trệt, 2 lầu và nhà hiệu bộ (1994-1996). Trường Đảng Bình Thuận tiếp tục một san sẻ diện tích đất cho Nhà nghỉ của Liên đoàn lao động Tỉnh (nhưng không thực hiện được) và Tỉnh cho xây dựng Hội trường tạm 300 chỗ ngồi. Cho đến nay hiện trạng cơ sở vật chất có 5 hội trường và phòng học trong đó chỉ có hội trường A (lớn) là được xây dựng cơ bản và đúng chuẩn, còn lại là 1 hội trường tạm, tận dụng 2 nhà ăn thành 2 phòng học và lấy 2 phòng ở học viên thông vách thành 1 phòng học. Đây là sự đầu tư trong xây dựng cơ sở vật chất không cơ bản và không đồng bộ. Nhà ở học viên bao gồm 1 dãy lầu 2 tầng và 2 dãy nhà cấp 4 cũng nằm trong tình trạng thiếu và xuống cấp, nhất là 2 dãy nhà cấp 4, nhiều lần các cơ quan chức năng có văn bản cấm không được sử dụng và phải gia cố nhiều lần để sử dụng. Từ thực trạng trên, năm 2005 Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng ở một địa điểm mới, với thiết kế quy hoạch bài bản và đồng bộ, nhưng đến nay với nhiều lý do khác nhau cơ sở mới chưa được tiến hành.

Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng để nhà trường hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Sau khi chia tách tỉnh và tính đến năm 2000, số lượng có trình độ đại học là 20 người, trình độ thạc sĩ có 4 người, nhưng chỉ trong  thời gian từ (2000 - 2012) lực lượng cán bộ có trình độ đại học trở lên là 44 người. Trong đó; đưa đi đào tạo 47 lượt (đại học có 28 lượt người (13 nữ) và thạc sĩ có 19 lượt người (11 nữ); đặc biệt có 9 người được đưa đi đào tạo 2 lần (đại học và cao học). Tính theo hiện tại, số lượng đại học trở lên là 30 người; trong đó thạc sĩ và cao học 15 người (vì 10 người đã được điều động, luân chuyển, chuyển công tác và 5 người nghỉ hưu) Có được đội ngũ trí thức nêu trên, 12 năm qua Đảng ủy các khóa và Ban giám hiệu của các thời kỳ đã đầu tư đúng mức cho nhân tố con người - nguồn nhân lực chủ yếu - “nguyên khí của quốc gia” để thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Mặc dù vậy, so với biên chế cho phép vẫn còn thiếu 16 người, nhưng với quyết tâm chính trị, đội ngũ cán bộ, viên chức và giảng viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao liên tục nhiều năm; xứng đáng được tỉnh ủy Bình Thuận công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu cấp tỉnh 12 năm liên tục (2000-2011), Chủ tịch Nước phong tặng Huân chương lao động Hạng Ba (2000), Hạng Nhì (2005)

Về nội dung chương trình ở giai đoạn này (1992- 2012) nhà trường thực hiện nhiều chương trình nhất, đối tượng cũng đa dạng nhất.

Trước hết, chương trình trung cấp lý luận chính trị thiếu sự ổn định lâu dài, được bổ sung thay đổi nhiều lần và đáp ứng cho nhiều đối tượng khác nhau, buộc đội ngũ giảng viên phải nhận thức lại và cập nhật kiến thức mới liên tục nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra của quá trình đổi mới. Tổng kết 10 năm đổi mới (1986-1996) Đảng ta khẳng định con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn, đây là cơ sở cho Quyết định số 38/QĐ ngày 01/6/1996 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra đời về thực hiện chương trình trung học chính trị.(Năm 1997 có bộ giáo trình). Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Khóa IX ( tháng 3/ 2002) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có Quyết định số 484/2002/QĐ-HVCTQG, ngày 11/12/2002 về việc ban hành “Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở” (hệ Trung cấp lý luận chính trị) đến năm 2004 có bộ giáo trình. Tổng kết 20 năm đổi mới (1996-2006) trong Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ X, Đảng ta khẳng định“ Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận… về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt nam đã hình thành trên những nét cơ bản” và thực hiện Nghị quyết ĐH ĐB toàn quốc lần thứ X, Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Khóa XI (tháng 7/2007) ra Nghị quyết về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; để thực hiện nghị quyết này Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh  ban hành Quyết định số 1845/QĐ-HVCT-HCQG ngày 29/7/2009 về “ Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở” (hệ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính), đến năm 2009 có bộ giáo trình. Chương trình này đào tạo cho nhiều loại lớp cho từng loại đối tượng: Lớp cho chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng quân sự cấp xã; lớp cho cán bộ của Đài phát thanh và truyền hình; lớp cho cán bộ thuộc Liên đoàn lao động; lớp tạo nguồn cho cán bộ dân tộc thiểu số (4 khóa có 5 lớp); lớp cho cán bộ có trình độ đại học trở lên (Khóa 9 năm 2011)

Thứ hai, chương trình trung cấp các loại ; trung cấp hành chánh, trung cấp dân vận, trung cấp phụ vận, trung cấp thanh niên, trung cấp khuyến nông- lâm dùng cho cán bộ dân tộc thiểu số.

Thứ ba, chương trình sơ cấp lý luận chính trị dùng cho cán bộ dân tộc thiểu số (1997, 1999, 2001).

Thứ tư, chương trình đào tạo trung học chính trị, hệ tập trung cho cán bộ ch là người dân tộc thiểu số- đương chức (2002-2003)

Thứ năm, nhiều chương trình bồi dưỡng cho từng loại đối tượng khác nhau: chương trình bồi dưỡng trung cấp lí luận chính trị; 14 chương trình bồi dưỡng kỷ năng, nghiệp vụ và xử lý tình huống cho các chức danh ở cấp xã; bồi đưỡng kiến thức quản lý nhà nước:  chính quyền cấp xã, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cấp cao. Ngoài ra nhà trường phối hợp với các cơ sở đào tạo khác mở các loại lớp cho nhiều chương trình khác nhau: cử nhân chính trị, hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị, đại học hành chánh,  tiếng Chăm, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghiệp vụ của các ngành.

Một thách thức mới đó là, sự phát triển mạnh mẻ của khoa học công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy mới trên thế giới, buộc đội ngũ cán bộ giảng viên phải tiếp cận, phấn đấu áp dụng trong giảng dạy lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, từ năm 2006 nhà trường chủ trương phát động thực hiện giảng dạy bằng giáo án điện tử kết hợp với phương pháp giảng dạy tích cực và đến nay hầu hết giảng viên ứng dụng phương pháp này.

Một chặng đường đã qua, các thế hệ cán bộ, viên chức và thầy cô giáo Trường chính trị Bình Thuận đã vượt qua gian nan và ác liệt trong bom đạn, nghèo khó trong cơ sở vật chất, thiếu-hẩng trong nguồn nhân lực. Nhưng lại giàu giàu lòng nghị lực, tâm huyết cao với nghề, vững vàng trong lý tưởng, sâu đậm trong nhân ái, đây là những nhân tố, động lực có ý nghĩa to lớn giúp trường chính trị Bình Thuận phấn đấu vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị qua các thời kỳ./.

 

NGƯT, ThS Bùi Tấn Hưng

                                 Hiệu trưởng


  • |
  • 873
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số