Tin mới nhất

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

  • /
  • 2.1.2013 - 9:24

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy con đường giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh hết sức chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong"(1).

Theo Hồ Chí Minh giáo dục lý luận chính trị là  truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin, nâng cao đạo đức cách mạng cho các bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm thống nhất về tư tưởng, ý chí, phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy vào cuộc sống. Chính vì vậy, nội dung của công tác giáo dục lý luận chính trị là rất rộng, bao gồm việc giáo dục những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng về các lĩnh vực của đời sống xã hội những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của các nước.

Từ nội dung của giáo dục lý luận chính trị Người đưa ra mục đích và nhiệm vụ sau:

"a) Học để sửa chữa tư tưởng: hăng hái theo cách mạng điều đó rất hay. Nhưng tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng, vì thế phải học tập để sửa chữa cho đúng. Tư tưởng đúng thì hành động cho khỏi sai lạc và mới làm tròn được nhiệm vụ cách mạng.

b) Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. 

c) Học để tin tưởng: tin tưởng vào đoàn thể, tin tưởng vào tương lai dân tộc. Tin tưởng vào tương lai cách mạng. Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết hy sinh.

d) Học để hành: Học với hành phải đi đôi với nhau. Học mà không hành thì hành không trôi chảy"(2).

Hồ Chí Minh xác định cách mạng cũng là một nghề, làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng thì cần phải học nhiều hơn. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà yêu cầu họ làm cách mạng thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ được. Vì vậy, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ “bô lô, bô la” mà phải ra sức học tập, học ở nhà ở trường, học ở thực tiễn, học ở quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, Người yêu cầu: "Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận và chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình"(3), đó chính là những định hướng mà Người nêu ra cho mỗi cán bộ đảng viên.
     Với Hồ Chí Minh, học tập chủ nghĩa Mác là học tập cái biện chứng, bởi thực tiễn là thước đo chân lý, cách mạng là sáng tạo. Sự nghiệp cách mạng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ phải biết bám sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, phải có sáng kiến trong các lĩnh vực công tác. Trong giáo dục, học tập lý luận không được giáo điều từng câu, từng chữ, mà phải nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp, tinh thần cách mạng để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể đã và đang vạch ra. Người căn dặn việc học tập có thể tiến hành ở mọi nơi, mọi lúc, học tập suốt đời và chỉ rõ: "Cách mạng tiến lên mãi, Đảng ta tiến lên mãi". Cho nên cán bộ đảng viên phải thường xuyên trau dồi lý luận chính trị, vì cán bộ là gốc của mọi công việc. "Công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay xấu". Sự phát triển của tư duy, nhận thức, học vấn, trình độ văn hoá của cán bộ đảng viên là quá trình khổ công rèn luyện, tích luỹ kiến thức, Người căn dặn chúng ta: "Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi công việc đối với mọi người và đối với bản thân mình", "Học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ". Như vậy, trong quan điểm của Hồ Chí Minh chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là vũ khí lý luận để cải tạo thế giới, mà còn là vũ khí để cải tạo bản thân mình. Do đó, Người cũng chỉ rõ là phải chống thói xem nhẹ học tập lý luận chính trị, "vì không học tập lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là "mù chính trị", thậm chí hủ hoá xa rời cách mạng"(4). 

Như vậy, giáo dục lý luận chính trị nhằm quán triệt và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Người giải thích: "Nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay"(5). Đồng thời với việc quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin các chủ trương chính sách của Đảng của Nhà nước, Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải học kinh nghiệm của nhân dân, phải tổng kết phong trào của quần chúng để phải triển thành lý luận.

Rõ ràng, trong quan điểm giáo dục lý luận chính trị, Người luôn yêu cầu phải tuân thủ phương châm lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Do đó, những vấn đề lý luận trừu tượng được diễn đạt rất giản dị, dễ hiểu gắn với thực tiễn sinh động của đất nước. Chẳng hạn khi nói về sở hữu tập thể, Người chỉ rõ: "Chủ nghĩa xã hội là nhà máy, trường học là của chung". Hay khi định nghĩa về chủ nghĩa xã hội "là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do"(6). Người chỉ rõ "Lý luận không gắn với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn không có lý luận soi đường là thực tiễn mù quáng".

 Theo Người, hoạt động lý luận của người cán bộ phải được vận dụng một cách sáng tạo trước mọi biến đổi của cách mạng, không nên dập khuôn máy móc. Người khuyên trong viết, nói  không nên viết dài, nói dài, trừu tượng, mà phải viết, nói ngắn gọn, cô đọng, hàm xúc, sinh động thì quần chúng mới hiểu được. Đặc trưng của giáo dục chính trị là tính khái quát cao. Nhiều câu nói của Người có nội dung bao quát cả nguyên lý, một chiến lược, nhưng Người thâu tóm trong một câu nói dễ hiểu, dễ nhớ, càng ngẫm càng thấm thía. Chính vì vậy, trong công tác giáo dục lý luận chính trị phải quán triệt nguyên tắc này.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi công tác lý luận cần phải giải quyết. Do đó, để đảm bảo cho công tác giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay bắt kịp với sự biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, hơn lúc nào hết, nghiên cứu và vận dụng tinh thần biện chứng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị để giáo dục cán bộ, đảng viên có hiệu quả là giải pháp hàng đầu để góp phần nâng cao chất lượng  đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay./.

ThS Nguyễn Hoàng Minh


 

 (1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, T2, tr 259

 (2) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, T6, tr 50

 (3) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, T12, tr 95

 (4) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, T7, tr 234

 (5) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, T12, tr 94

 (6) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, T8, tr 396


  • |
  • 1547
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số