Tin mới nhất

Hoạt động khuyến học của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

  • /
  • 3.12.2012 - 9:13

Hiếu học là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Mục đích của việc học là để góp phần vào công cuộc dựng nước và giữ nước, như nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói: Phi trí bất hưng.

Gắn với tinh thần đó, khuyến học là một phong trào có lịch sử khá lâu, có thể minh chứng đó là việc Nguyễn An Ninh đã diễn thuyết tại Hội khuyến học Nam Kỳ ngày 25/1/1923 về lý tưởng của thanh niên, phong trào khuyến học ở Quảng Nam do nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập từ năm 1936 và tiếp nối là Đông Kinh nghĩa thục, Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ trong cách mạng và kháng chiến.  Trong giai đoạn CNH - HĐH đất nước, để phát huy tinh thần hiếu học, tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập, ngày 2/10/1996 Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập với khẩu hiệu: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc. Ở tỉnh Bình Thuận, ngày 2/7/2002 Hội khuyến học tỉnh được thành lập chỉ đạo hoạt động khuyến học toàn tỉnh.

Trên cơ sở sự chỉ đạo của các cấp, Ban Khuyến học của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận được thành lập  ngày 30/12/2005, gồm 7 thành viên do 01 đ/c Phó hiệu trưởng làm trưởng ban, đ/c Chủ tịch Công đoàn làm phó trưởng ban và uỷ viên là các đ/c đại diện Hội CCB, Chi đoàn thanh niên, các phòng ,khoa của trường để đảm bảo triển khai hoạt động của ban được thông suốt và tập hợp được tất cả các lực lượng trong nhà trường tham gia vào hoạt động khuyến học.

Trong những năm qua, Ban Khuyến học đã tham mưu cho Hiệu trưởng tổ chức phong trào xây dựng gia đình hiếu học, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trước mắt là tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức nhà trường góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Để triển khai nhiệm vụ đạt kết quả, Ban Khuyến học đã phân công cho  thành viên phụ trách tát cả các mảng hoạt động như vận động gây quỹ, theo dõi thu, chi và quản lý quỹ, tổng hợp, thống kê danh sách những đối tượng cần hỗ trợ, khen thưởng, công tác văn phòng tổng hợp. Đồng thời, Ban Khuyến học cũng đã xây dựng Quy chế “Tổ chức và hoạt động của Ban Khuyến học Trường Chính trị Bình Thuận”. Nhân sự Ban Khuyến học được thay đổi kịp thời, khi có sự thay đổi trong công tác nhân sự của đơn vị. Nhờ đó hoạt động của Ban Khuyến học được duy trì thường xuyên.

Hàng năm, quỹ khuyến học của đơn vị được xây dựng từ nhiều nguồn: mỗi CCVC đóng góp ½ ngày lương/năm, hỗ trợ từ kinh phí của Đảng bộ và kinh phí 03 tổ chức đoàn thể của đơn vị: Công đoàn, Hội CCB, Chi đoàn trường và từ nguồn quỹ đời sống của cơ quan. Quỹ được dùng để khen thưởng cho 02 đối tượng: cho con của CCVC nhà trường đạt các danh hiệu: học sinh giỏi ở cấp học mầm non, cấp I, II; học sinh khá, giỏi ở cấp III, trung cấp, cao đẳng và đại học; học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Đối tượng thứ hai là bản thân CCVC nhà trường khi tham gia học các lớp trung cấp, cao đẳng và đại học được xếp loại khá, giỏi (hệ tại chức), xếp loại  giỏi (hệ tập trung), hỗ trợ viết luận văn Cao học và Nghiên cứu sinh.

Đến nay, Ban Khuyến học đã vận động được 20.961.000đ, chi khen thưởng, hỗ trợ cho 92 lượt con của CCVC và 14 lượt CCVC với tổng số tiền: 15.085.000đ, hiện dư quỹ 5.876.000đ. Qua đó đã góp phần động viên con em CCVC và đội ngũ CCVC nhà trường tích cực học tập; thể hiện sự quan tâm của đơn vị đối với đời sống vật chất và tinh thần cho CCVC nhà trường.

Tuy nhiên, công tác khuyến học của nhà trường vẫn còn những hạn chế như: Nguồn gây quỹ khuyến học chỉ từ nội bộ nhà trường, chưa được mở rộng ra các lực lượng bên ngoài, nên kinh phí thu được không nhiều. Do vậy, số tiền thưởng, hỗ trợ còn thấp, chưa thật sự tạo được động lực mạnh mẽ cho các đối tượng. Bên cạnh đó, đối tượng được khen thưởng, hỗ trợ chỉ là con CCVC và bản thân CCVC nhà trường, do vậy ảnh hưởng của Ban Khuyến học nhà trường  với các đối tượng khác bên ngoài xã hội chưa có.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến học của đơn vị, nhà trường cần phải:

Thứ nhất: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ nhà trường đối với hoạt động khuyến học của đơn vị.

Thứ hai: Ban Khuyến học cần tranh thủ, vận động các nguồn kinh phí bên ngoài, từ  các mạnh thường quân để tăng quỹ hoạt động; từ đó nâng thêm mức khen thưởng, hỗ trợ để vừa là nguồn động viên tinh thần nhưng cũng giúp trang trải được phần nào cho các gia đình CCVC trong quá trình học tập của bản thân và con em họ.

Thứ ba: Hàng năm, nên dành kinh phí nhất định để hỗ trợ cho các đối tượng bên ngoài xã hội để mở rộng phạm vi hoạt động của Ban Khuyến học nhà trường.

Khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội học tập là trách nhiệm của tất cả các lực lượng trong toàn xã hội. Mặc dù kết quả đạt được chưa nhiều, nhưng họat động khuyến học của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận những năm qua đã đóng góp một phần vào thành tích khuyến học chung của tỉnh nhà; góp phần cùng cả nước thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành”./.

                                                                                   

                                                  ThS Nguyễn Thị Thuận Bích


  • |
  • 891
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số