Thực hiện hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, hoạt động thao giảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận bắt đầu tiến hành từ năm 2005. Thời điểm đó, do còn là hoạt động mới mẻ nên có nhiều lúng túng, khó khăn. Cách thức tổ chức đơn giản; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy vừa lạc hậu, vừa thiếu thốn; người tham gia thao giảng còn nhiều bỡ ngỡ trong việc soạn giáo án theo mẫu của Học viện, nên hình thức của giáo án đơn điệu, thiếu hấp dẫn, nội dung chưa phong phú; giảng dạy chủ yếu theo phương pháp truyền thống, áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực còn nhiều hạn chế; chất lượng bài giảng chưa cao. Số lượng tham gia thao giảng cấp khoa, cấp trường chỉ có 04 giảng viên; 02 được chọn tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố lần thứ I, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long. Kết quả rất đáng phấn khởi, cả 02 giảng viên đều đạt thành tích giảng viên dạy giỏi.
Sau khi tổ chức thao giảng lần đầu, nhằm mục đích để các lần thao giảng về sau đạt kết quả cao hơn, Ban Giám hiệu đã kịp thời chỉ đạo công tác chuyên môn xác định thao giảng là hoạt động thường xuyên, cần duy trì thành nền nếp. Đồng thời tìm giải pháp khắc phục, như ban hành quy chế, xây dựng quy trình, các bước thực hiện, thành lập ban giám khảo … Thông qua thao giảng nhằm rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực giảng dạy, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đồng nghiệp; tôn vinh những giảng viên có năng lực, dạy giỏi, làm hạt nhân thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Chính vì vậy, công tác thao giảng các cấp tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh hoạt động, thu hút ngày càng nhiều giảng viên đăng ký tham gia, không chỉ giảng viên giảng dạy ở các khoa mà cả giảng viên ở các phòng chức năng tham gia giảng dạy chuyên môn của các khoa cũng đăng ký tham dự.
Năm 2007, có 06 giảng viên tham gia thao giảng; trong đó, 01 giảng viên ở phòng Khoa học - Thông tin - Tư liệu - Thư viện. Kết quả, 06/06 đạt giảng viên dạy giỏi cấp trường và 02 được chọn cử tham gia dự thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố lần thứ II, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp. Trong lần thi này, 02/02 đạt giảng viên dạy giỏi; trong đó, 01 đạt giảng viên dạy giỏi xuất sắc.
Năm 2009, nhà trường tiếp tục tổ chức thao giảng, chọn giảng viên dạy giỏi cấp khoa, cấp trường, có 09 giảng viên đăng ký tham gia, 07/09 đạt giảng viên dạy giỏi cấp trường; chọn cử 02 giảng viên tham gia dự thi và đều đạt giảng viên dạy giỏi tại Hội thi giảng viên dạy giỏi lần thứ III do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang.
Năm 2011, 06/06 giảng viên tham gia dự thi đều đạt giảng viên dạy giỏi cấp trường; trong đó, 01 tham gia dự thi giảng viên dạy giỏi do Học viện tổ chức lần thứ IV tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai và đạt giảng viên dạy giỏi xuất sắc.
Trong 7 năm tổ chức thao giảng, nhà trường đã chọn được 12 (27 lượt) giảng viên dạy giỏi cấp trường; 05 (07 lượt) giảng viên tham gia dự thi và đạt giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức; trong đó, 01 đồng chí 02 lần đạt giảng viên dạy giỏi xuất sắc, được Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia tặng bằng khen.
Hiện nay ở Trường Chính trị Bình Thuận, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường về thực hiện chế độ chính sách, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy tương đối đồng bộ, từ các phương tiện hiện đại như laptop, Projector, bảng ghim, bảng lật đến các phương tiện truyền thống, thao giảng đã trở thành hoạt động chuyên môn của quá trình giảng dạy, mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Thao giảng không chỉ giúp giảng viên trau dồi kỹ năng giảng dạy, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm chuyên môn, tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn giúp họ làm sâu sắc, phong phú thêm nội dung bài giảng; đồng thời, thông qua thao giảng các khâu của chu trình giảng dạy được thực hiện nghiêm túc hơn, từ soạn giáo án đến thực hiện các bước lên lớp; chú trọng hơn việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin và các phương pháp giảng dạy tích cực vào hoạt động giảng dạy; sử dụng các mô hình, bảng, biểu, tạo hứng thú, hấp dẫn đối với người học. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên chú ý hơn việc trao đổi với học viên, hướng dẫn bài tập xử lý tình huống, nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn trong mỗi bài giảng; trang bị cho người học không chỉ lý luận cơ bản, mà còn giúp người học nắm vững kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, tạo mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa người dạy và người học. Điều có ý nghĩa rất thiết thực nữa là, thông qua hoạt động thao giảng để đội ngũ giảng viên của nhà trường trao đổi, học tập lẫn nhau, nhất là số giảng viên trẻ có dịp học hỏi kinh nghiệm chuyên môn của người đi trước nhằm nâng cao chất lượng bài giảng.
Có thể nói, thao giảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong 07 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường; đồng thời, nhiều giảng viên dạy giỏi đã kịp thời được vinh danh, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến, đặc biệt là phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” trong nhà trường./.
Nguyễn Thị Thủy
Trưởng Khoa LLMLN, TT HCM