Tin mới nhất

63 năm ngọn lửa trần văn ơn

  • /
  • 8.1.2013 - 14:9

Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục rầm rộ và rộng khắp, đặc biệt là ở Sài Gòn – Gia Định, làn sóng chống chủ nghĩa thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ ngày càng dâng lên mạnh mẽ.

Sáng ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động, tổ chức hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, Trường Đại học Y dược, Pháp lý, Vô tuyến điện, Công chính, Kỹ thuật… cùng nhiều giáo viên và 7.000 bà con lao động biểu tình đấu tranh đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt, trong đó có ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn.

Vào lúc 13 giờ ngày 09/01/1950, chính quyền Sài Gòn huy động một lực lượng lớn cảnh sát kết hợp với lính lê dương bao vây khu vực học sinh biểu tình. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Trần Văn Ơn đã dũng cảm đương đầu với dùi cui, che chở cho học sinh nhỏ tuổi và các nữ sinh thoát ra ngoài. Trước nguy cơ bị bắt, anh đã đạp đổ hàng rào sắt hướng dẫn cho các bạn rút lui. Bọn lính nổ súng, Trần Văn Ơn đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh của Trần Văn Ơn đã gây xúc động và tiếng vang lớn, tạo một làn sóng phản đối mạnh mẽ của học sinh, sinh viên và quần chúng ở Sài Gòn.

Ngày 12/01/1950, Lễ tang Trần Văn Ơn được tổ chức trọng thể tại Trường Pétrus Ký. Một biển người đông gần nửa triệu đã kết chặt lại như để thể hiện cho chính quyền Sài Gòn biết rằng, Trần Văn Ơn đã hy sinh nhưng ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất chống quân xâm lược và bè lũ tay sai của học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn không bao giờ bị dập tắt. Trong hơn 300 vòng hoa của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn viếng tang, còn có vòng hoa của một nhóm người Pháp tiến bộ mang dòng chữ “Soldats démocratés” (chiến sĩ dân chủ).

Đám tang Trần Văn Ơn đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn – Chợ Lớn, có giá trị làm thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần dân tộc. Điếu văn của đại biểu học sinh, sinh viên tưởng niệm Trần Văn Ơn ở nghĩa trang Chợ Lớn là lời tri ân đã trở thành những lời ca bất tận vang vọng mãi ngàn sau: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt!”.

Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 02/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại thủ đô Hà Nội đã quyết định lấy ngày 09/01 hằng năm làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam. Gương hy sinh dũng cảm oanh liệt của Trần Văn Ơn đã được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếp nối tinh thần “ngọn lửa Trần Văn Ơn”, các thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay đang ra sức rèn đức, luyện tài nhằm “lập thân, lập nghiệp, kiến quốc” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.                                               

 

                                                                           Bùi Khắc Huỳnh

                                                                 Khoa Nhà nước và Pháp luật


  • |
  • 1212
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số