Tin mới nhất

Góp phần tìm hiểu những văn bản của đảng ta về việc thực hiện tự phê bình và phê bình

  • /
  • 5.2.2013 - 15:44

Từ trước đến nay, Đảng ta thường xuyên coi trọng tự phê bình và phê bình, luôn xác định đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Nhờ đó mà mỗi thời kỳ cách mạng, nhất là trong mỗi bước ngoặt, Đảng ta luôn đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu, đề ra được những biện pháp sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm làm cho tổ chức Đảng ngày càng tiến bộ.

Nhân đợt các cấp bộ Đảng đang đẩy mạnh việc thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tôi xin điểm lại các văn bản quan trọng của Đảng ta về tự phê bình và phê bình của Đảng ta về vấn đề này qua các thời kỳ, nhằm giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể về những lần tiến hành tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng của Đảng ta từ trước đến nay.             

Trong Thông tri ngày 14 tháng 3 năm 1950 của Ban Thường vụ Trung ương “Về việc cấp dưới phê bình chủ trương của cấp trên” đã nêu rõ: “Muốn mở rộng phê bình, tự phê bình trong Đảng và để cho cấp dưới có thể gom góp ý kiến vào việc chỉ đạo chung, Ban Thường vụ Trung ương thông tri: từ nay các cấp bộ dưới có thể phê bình chủ trương và lề lối làm việc của cấp trên trong các hội nghĩ của cấp bộ mình không nhất thiết phải có mặt đại diện cấp trên dự. Bản phê bình sẽ gửi về cấp trên và nếu nhận thấy có những điểm không đúng cấp trên sẽ cải chính hoặc giải thích để cấp dưới hiểu rõ thêm”.

Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương ban hành tháng 7 năm 1950 “Về cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong Đảng”, đã nêu rõ mục đích và ý nghĩa cuộc vận động rằng: Đảng ta mấy năm gần đây phát triển mạnh, số lượng đảng viên tăng vượt bậc làm cho cơ sở và ảnh hưởng Đảng khá sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương việc phát triển Đảng phạm phải nhiều sai lầm; việc giáo dục đảng viên chưa được chu đáo, chưa theo kịp với đà phát triển, nên trong Đảng hiện nay còn nhiều đảng viên tinh thần, trình độ giác ngộ, ý thức Đảng rất kém. Các đảng viên này đối với những công tác của Đảng và đối với một vài chính sách, chủ trương của Đảng thường tỏ ra lười biếng, chậm chạp, thiếu tinh thần tích cực và đôi khi còn làm cản trở. Vì vậy, Trung ương quyết định mở cuộc vận động phê bình và tự phê bình trong toàn thể các chi bộ để xem xét công tác, ý thức và tinh thần của đảng viên mà đặt kế hoạch giáo dục, rèn luyện đảng tính, nâng cao trình độ chính trị, công tác của đảng viên và chấn chỉnh tổ chức cơ sở của Đảng.

Chỉ thị số 230-CT/TW, ngày 13 tháng 7 năm 1976  của Ban Bí thư “Về đợt giáo dục chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng”, đã đánh giá một cách toàn diện tình hình miền Nam hơn một năm qua và quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Nam tiến lên một bước mới. Để quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chung của cả nước sau khi đã hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Bộ Chính trị đã quyết định mở một đợt giáo dục chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, ở cả miền Nam và miền Bắc.

Sau đó, ngày 13 tháng 01 năm 1979, Ban Bí thư đã tiếp tục ban hành Chỉ thị số 63-CT/TW về “giữ vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đề cao dân chủ và ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm cấm những hành động trù dập, trấn áp phê bình”; 7 năm sau, ngày 11 tháng 03 năm 1986, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 79-CT/TW “Về việc tổ chức đợt tự phê bình và phê bình chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và đại hội các cấp”. Mục đích của đợt phê bình và tự phê bình là: Qua đánh giá rút kinh nghiệm công việc đã làm từ Đại hội V đến nay và nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, góp phần tăng cường sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức trong Đảng, nâng cao tính tổ chức kỷ luật của cán bộ, đảng viên, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, tạo điều kiện để tiếp thu và triển khai thực hiện tốt nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ VI và đại hội các cấp sắp tới.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 79, đến ngày 21 tháng 6 năm 1986, Ban Bí Thư ban hành Thông báo số 78-TB/TW, “Về việc hoàn thành đợt 1 và chuẩn bị tiến hành dợt 2 tự phê bình và phê bình. Ngày 16 - 6 - 1986, Ban Bí thư đã nghe báo cáo tình hình đợt 1 tự phê bình và phê bình. Qua đó, đã giúp cho Ban Bí thư nhận thấy rõ, từ khi thực hiện Chỉ thị 79, các địa phương và các ngành đã nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, khẳng định những cố gắng và ưu điểm, phân tích, phê phán những khuyết điểm sai lầm về phẩm chất, phong cách, chính sách cán bộ, một số nơi đã bước đầu sửa chữa hoặc ngăn chặn được một số khuyết điểm, được cán bộ, đảng viên và quần chúng đồng tình. Song bên cạnh đó, cũng thấy được kết quả tự phê bình và phê bình nói trên, đạt được chưa đều và chưa cao, số ngành và cấp ủy kiểm điểm tốt, sửa chữa tốt chưa nhiều, vẫn còn không ít nơi tự phê bình chưa nghiêm túc, tránh né khuyết điểm, phê bình chưa sâu, sửa chữa thiếu cụ thể. Một số ít nơi sau tự phê bình và phê bình nội bộ tiếp tục mất đoàn kết, có nơi họp quá dài làm ảnh hưởng đến việc tiến hành các công tác khác mà tự phê bình và phê bình vẫn không đạt kết quả cao...

Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư ban hành này 19 tháng 11 năm 1992, về việc tổ chức tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã yêu cầu: các cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp  tiến hành tự phê bình và phê bình qua một năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội VII. Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, cấp ủy, ban cán sự đảng cần bổ sung, hoàn chỉnh chương trình hành động về đổi mới và chỉnh đốn Đảng ở ngành, địa phương mình và có biện pháp thực hiện ngay chương trình đó.

Tờ trình số 68/TLHN, ngày 06 tháng 7 năm 1998 của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) Về kế hoạch tiến hành đợt sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Yêu cầu: đợt sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình lần này trước hết không nhằm mục tiêu xử lý mà nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tăng cường sức chiến đấu của Đảng, mục tiêu lý tưởng cách mạng, các quan điểm, đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và Điều lệ của Đảng; làm cho mọi người thấy rõ một cách sâu sắc tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên đã và đang làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân với Đảng.

Và bây giờ là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tin tưởng với kình nghiệm của những đợt thực hiện tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng trước đây, sẽ tạo điều kiện cho cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay đi vào chiều sâu. Qua đó, góp phấn tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI./.

                                                                                                                                ThS Đặng Tấn Công

                                                                            Giảng viên chính Khoa XDĐ


  • |
  • 1268
  • |

Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số