Trong hoạt động cách mạng, Người dùng ngòi bút của mình để phê phán, đấu tranh những cái ác, cái xấu tồn tại trong xã hội. Ngay từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, qua các bài báo của mình như: Phải tẩy sạch bệnh quan liêu (báo Sự thật, số 140, ngày 2 - 9 - 1950) bút danh X.Y.Z; Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh ( báo Nhân Dân, số 23, ngày 2 - 9 - 1951) với bút danh C.B; Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (báo Nhân Dân, số 68, ngày 31- 7-1952) với bút danh C.B; Phải chống bệnh quan liêu (báo Nhân Dân, số 116, ngày 6 - 6 - 1953), bút danh C.B; Người đã cảnh báo về tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hồ Chí Minh cho rằng để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi, nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ quan liêu, tham ô, lãng phí thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta. Vì lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và tình cảm.
Qua những bài báo của Hồ Chí Minh về chống quan liêu, tham ô, lãng phí, có thể thấy rằng Người không chỉ là một vị Chủ tịch hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, tất cả vì quyền lợi của nhân dân. Mà Hồ Chí Minh còn là một nhà báo chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa về tác hại của những căn bệnh tiêu cực. Với những bài báo chống quan liêu, tham ô, lãng phí trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã lên án mạnh mẽ những hậu quả mà nó đem lại. Những bài báo của Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa trong cuộc kháng chiến, kiến quốc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thông qua những bài báo này mà các cán bộ, cơ quan nhận thấy được rõ trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đồng thời tự phê bình và phê bình để giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng. Báo chí cũng là kênh thông tin đem lại hiệu quả cao trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng trong việc chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
Có thể nói, bắt đầu từ đại hội lần thứ VI của Đảng, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, báo chí nước ta mới thực sự mang hơi thở, sinh khí mới. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực diễn ra sôi động, nhiều vụ việc tiêu cực được phanh phui trên cả báo chí Trung ương và địa phương.
Trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước, báo chí có vai trò quan trọng, không chỉ bám sát thực tiễn đất nước, khai thác, khám phá, phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, mà còn phải đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực đang diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên như tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí, phải “công khai và thẳng thắn”, tiếp tục phê phán mạnh mẽ những tập thể và cá nhân vi phạm đạo đức và pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ghi sâu lời dạy của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh, báo chí từ nhiều thập kỷ qua đã tích cực đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, tình cảm, tri thức, nhân cách, đạo đức, lối sống vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.
Nguyễn Thị Loan
Khoa LLMLN, TTHCM