Phần ý kiến góp ý vào nội dung các điều, cụ thể tại Điều 53, đề nghị bổ sung thêm từ “dân chủ” vào trước cụm từ “tiến bộ và công bằng xã hội” thành mệnh đề hoàn chỉnh “…phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”. Vì mục tiêu hiện nay chúng ta đang hướng tới là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy đối với lĩnh vực xã hội, vấn đề dân chủ phải đặt lên hàng đầu, có thực hiện dân chủ mới có tiến bộ và công bằng xã hội.
Về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 56: “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Quy định như vậy là chưa đầy đủ, bởi hoạt động của nền kinh tế có các yếu tố hợp thành, đó là sản xuất và kinh doanh. Vì vậy đề nghị bổ sung vào các từ “sản xuất” để thành nội dung “Tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.” Như vậy để đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia sản xuất và kinh doanh. Vấn đề quy định ở khoản 1, Điều 61 “ Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động”. Quy định này còn chung chung, không biết cụ thể được “ai” khuyến khích và khuyến khích cái gì. Do đó đề nghị bổ sung các từ “Nhà nước” vào trước từ “khuyến khích” và bổ sung cụm từ “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ” tiếp sau từ “khuyến khích, tạo điều kiện” để có nội dung “ Tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo việc làm, có thu nhập thỏa đáng cho người lao động”.
Đối với các tiêu chuẩn xây dựng con người Việt Nam, nội dung Khoản 3 Điều 64 xác định: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Việc xác định 5 tiêu chuẩn cụ thể đó là phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới. Tuy nhiên, để con người Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, đề nghị bổ sung thêm tiêu chuẩn “có tri thức” để có nội dung “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tri thức, có văn hóa, có ý thức làm chủ, có trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Bổ sung như vậy là phù hợp với tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra là: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”.
Góp ý cho khoản 3 Điều 66, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm cụm từ “cho công dân” tiếp theo sau cụm từ “tạo điều kiện” để có nội dung “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho công dân học tập để phát triển tài năng”. Vì đối tượng cụ thể được hưởng các điều kiện của Nhà nước nhằm phát triển tài năng, đó là công dân. Ở đoạn cuối của khoản 3 Điều 66 quy định: “ Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp”. Đề nghị bổ sung từ “ưu tiên” sau cụm từ “tạo điều kiện” để thể hiện rõ hơn chính sách xã hội của Nhà nước đối với những người tàn tật. Và thay thế cụm từ “ học văn hóa” bằng cụm từ “nâng cao trình độ học vấn”. Bởi trước đây thường gọi “trình độ văn hóa” để biết trình độ học thức của một người cụ thể nào đó, nhưng hiện nay được thay bằng “trình độ học vấn” là đúng nghĩa hơn. Như vậy nội dung đoạn cuối khoản 3 nên diễn đạt lại là “ Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội ưu tiên tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn và học nghề phù hợp”.
Đối với các chương về bộ máy nhà nước, việc quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn cho mỗi cơ quan nhà nước, không nên viết quá dài và quá cụ thể, chỉ viết dưới dạng tổng quát như Chương IX “Chính quyền địa phương” trong Dự thảo sửa đổi HP 1992 là hợp lý nhất. Bởi các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta đã có luật chuyên ngành như: Luật tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức TAND; Luật tổ chức VKSND; Luật tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND quy định rất cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đó. Do vậy Hiến pháp quy định quá chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho mỗi cơ quan như vậy là trùng lắp với luật chuyên ngành./.
Duy Hà