Tin mới nhất

GHI NHẬN QUA HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP KHOA Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, ngày 27/02/2014 Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa về công tác thao giảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận.

Ghi nhận qua hội thảo: thao giảng là hoạt động thường xuyên của đội ngũ giảng viên nhằm rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực giảng dạy; thông qua thao giảng vừa để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, vừa tôn vinh những giảng viên có năng lực, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường. Nhờ đó, từ năm 2005 lần đầu tiên tổ chức thao giảng đến nay, có 15 giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường; trong đó, 05 giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi tại Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Bên cạnh mặt đạt được, công tác thao giảng vẫn còn những hạn chế, bất cập về cách thức tổ chức, đánh giá; điều kiện, số lượng giảng viên tham gia... Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thao giảng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, các bài viết và ý kiến trao đổi tại hội thảo tập trung đề xuất và phân tích làm rõ một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, nhà trường cần sớm ban hành quy chế thao giảng phù hợp thực tế của trường, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy chế thi giảng của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; chỉ đạo các khoa tổ chức thao giảng theo đúng quy chế; phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, khoa, đội ngũ giảng viên đảm bảo cho công tác thao giảng đạt chất lượng.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cho giảng viên về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác thao giảng; tổ chức triển khai các văn bản, quy chế của Học viện, của trường liên quan đến công tác chuyên môn nói chung, thao giảng nói riêng, qua đó khắc phục tình trạng ở một số giảng viên coi thao giảng còn nặng nề, mệt mỏi, “nước đến chân mới nhảy”.

Thứ ba, các khoa cần chủ động trong tổ chức thao giảng cấp mình; mỗi giảng viên thao giảng và người tham dự thao giảng cần tích cực, nhiệt tình, tự trau dồi nội dung, phương pháp giảng dạy; thông qua thao giảng rút kinh nghiệm cho bản thân, tìm ra cách thức truyền đạt nội dung bài giảng đến người học một cách hiệu quả. Có thể thao giảng trên lớp học ở trường hoặc các lớp học ở các huyên lân cận, như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc hoặc lớp giả định (nếu cần thiết).

Thứ tư, xác định đối tượng tham gia thao giảng phải là toàn thể giảng viên chính, giảng viên, không phân biệt giảng viên công tác ở khoa hay ở phòng; giảng viên lớn tuổi hay giảng viên trẻ tuổi; giảng viên giảng dạy lâu năm hay giảng viên mới tham gia công tác giảng dạy, có như thế mới học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của cả đội ngũ giảng viên trong trường.

Thứ năm, thành lập ban giám khảo có thể chú trọng vào chuyên môn sát với chuyên môn người thao giảng hoặc có thể thành lập một hội đồng chấm tất cả các môn, nếu không được thì ít nhất Phó Hiệu trưởng phụ trách nội dung phải là người chấm xuyên suốt các môn thao giảng, như vậy sẽ tránh được phiền phức khi thành lập nhiều ban giám khảo với quan điểm đánh giá khác nhau. Mặt khác, người tham gia hội đồng chấm thao giảng cần chấm điểm khách quan, công tâm, chấm đúng thực chất; nhận xét cần chính xác, chặt chẽ, công bằng nhằm giúp giảng viên tự hoàn thiện bản thân.

Thứ sáu, hàng năm, các khoa, Ban Giám hiệu nhà trường cần có kế hoạch tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp để hoạt động thao giảng năm sau tổ chức đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh sau góp ý (nếu có) và theo dõi tiến độ của giảng viên sau góp ý, đánh giá.

Thứ bảy, cần đưa kết quả thao giảng vào tiêu chí đánh giá cán bộ, xét quy hoạch, cử đi đào tạo, làm tiêu chí để xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm cho tập thể khoa, phòng và cá nhân; đối với những giảng viên không tham gia thao giảng sẽ không xếp loại lao động tiên tiến, có như vậy mới tạo động lực thúc đẩy ý thức tự giác, tính tích cực trong công tác thao giảng.         

Có thể nói, thao giảng là hoạt động thật sự thiết thực đối với đội ngũ giảng viên của trường, vì vậy cần được tiếp tục duy trì, củng cố và tổ chức thường xuyên hàng năm, thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay./.

 

                                                                                   


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số