Tin mới nhất

TÁNH LINH VỚI MÔ HÌNH “Ánh sáng nông thôn mới”

Mô hình “Ánh sáng nông thôn mới” ở huyện Tánh Linh đem lại hiệu quả thiết thực, tạo cho người dân an tâm trong việc đi lại vào ban đêm, tình trạng lợi dụng đêm tối cướp giật, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể; từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thôn 4, xã Đức Phú huyện Tánh Linh nơi có ngã ba trục lộ giáp ranh với xã MêPu, huyện Đức Linh thường xảy ra tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, thanh thiếu niên tụ tập đua xe, đánh nhau… vào ban đêm, trời tối khó phát hiện. Đầu năm 2008, Đảng ủy xã họp bàn và thông qua chủ trương xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh”, ban hành quy chế triển khai 5/5 thôn trong xã, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đức Phú trở thành xã đầu tiên của huyện Tánh Linh và tỉnh Bình Thuận có điện thắp sáng trên tất cả các tuyến đường thôn, xóm và các trục lộ đi qua địa bàn. Ghi nhận hiệu quả thực hiện mô hình, các cấp, các ngành của huyện Tánh Linh đã phổ biến kinh nghiệm cho các xã, thị trấn học tập và nhân điển hình sâu rộng đến từng địa bàn dân cư; về sau, mô hình này được phát triển lên thành “Ánh sáng văn minh”, “Ánh sáng nông thôn mới”...

Đến nay, 12/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện mô hình với chiều dài 95,54km, xây lắp được 2.148 trụ và bóng đèn, tổng số tiền nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ đóng góp từ 200.000đ - 600.000đ; thời gian thắp sáng từ 18 giờ tối hôm trước đến 05 giờ sáng hôm sau, mỗi hộ trả tiền điện 10.000đ/tháng. Mọi việc đều do nhân dân tự quản lý, vận hành; mỗi tuyến đường ở các thôn, xóm đều cử một người có uy tín chịu trách nhiệm quản lý (mở - tắt), thu tiền điện và tiền dự phòng để tu bổ, sửa chữa, sau đó công khai cho từng hộ dân biết vào dịp sinh hoạt cộng đồng hàng tháng. Đây là phong trào xuất phát từ thực tiễn đời sống nhân dân, do nhân dân đóng góp 100% các nguồn lực và tự quản lý, điều hành, đã trở thành phong trào rộng khắp; từ những kết quả thực hiện mô hình trên địa bàn huyện Tánh Linh có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một; phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân triển khai thực hiện và vận hành có hiệu quả mô hình “Ánh sáng nông thôn mới”. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu tham gia hưởng ứng thực hiện phong trào tại địa bàn nơi cư trú và tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia.

Hai; mỗi xã, thị trấn phải xây dựng điểm một mô hình ở một khu dân cư để người dân thấy được hiệu quả thiết thực, từ đó mới tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động quần chúng để nhân rộng mô hình, thực hiện thuận lợi; song những nơi chưa triển khai thực hiện cần nghiên cứu, học tập và vận dụng phù hợp nhưng không gây áp lực hoặc tạo gánh nặng cho nhân dân, chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện, trên cơ sở vận động, thuyết phục để nhân dân tự nguyện, tự làm, tự vận hành, tự quản lý, tự trang trải.

Ba; phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phải đưa ra dân bàn bạc, thảo luận cụ thể từng vấn đề tự quyết định số tiền đóng góp, cử người đại diện đứng ra quản lý, giám sát việc thực hiện.

Bốn; từ khi thực hiện đến khi hoàn thành phải công khai, minh bạch về các khoản thu, chi tài chính để nhân dân thực sự tin tưởng.

Đây là một trong những mô hình phù hợp với lòng dân, được nhân dân trong các xã, thị trấn đồng tình hưởng ứng cao và góp phần tạo nên sự khởi sắc về bộ mặt nông thôn trong toàn huyện; đồng thời, góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống “tối lửa tắt đèn có nhau”, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới văn minh và mô hình “Ánh sáng văn minh” và “Ánh sáng nông thôn mới” là động lực đột phá trong việc phát huy sức mạnh của nhân dân./.       

                                                                                     


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số