Tin mới nhất

ĐỒNG CHÍ LÊ DUẨN - NH ỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07/4/1907 trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Sớm giác ngộ cách mạng và tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1928; năm 1930, đồng chí Lê Duẩn là một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Là nhà lãnh đạo chiến lược của Đảng, đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng nước ta. Tài năng và trí tuệ của đồng chí được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận sáng tạo…tất cả hòa quyện, thống nhất trong con người lãnh tụ Lê Duẩn. Trong suốt 30 năm liên tục, đồng chí đã có những cống hiến với cuộc đấu tranh của nhân dân chống thực dân và đế quốc xâm lược.

Vào năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Cũng trong năm đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Hải Phòng, kết án 20 năm tù cầm cố và giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó đưa lên Sơn La, rồi đày ra Côn Đảo. Tại đây, đồng chí Lê Duẩn phụ trách tờ Lao tù tạp chí. Đến năm 1936, do cuộc đấu tranh của nhân dân ta, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra tù, vượt qua sự quản thúc của chính quyền thực dân, đồng chí trở lại hoạt động cách mạng, củng cố tổ chức đảng ở các tỉnh miền Trung và góp phần thành công của cuộc vận động dân chủ do Đảng ta lãnh đạo. Sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, đồng chí được bầu là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ năm 1937. Với cương vị này, đồng chí đã cùng các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu…khôi phục các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, góp phần vào cao trào đấu tranh sôi nổi trong cả nước.

 Đến tháng 3/1938, tại Hội nghị Trung ương, trước biến chuyển của tình hình, đồng chí đã đề xuất ý kiến cần phải xây dựng Mặt trận dân chủ để đấu tranh với kẻ thù. Cuối năm 1939, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị lần thứ 6 (khóa I) Ban Chấp hành Trung ương, quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ.

Năm 1940, đồng chí lại bị địch bắt ở Sài Gòn, bị kết án tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai, thời gian ở nhà tù lần thứ hai này, công việc của đồng chí Lê Duẩn vẫn là huấn luyện anh chị em đấu tranh, mở các lớp học chính trị, văn hóa dưới nhiều hình thức. Khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Ra Hà Nội vào năm 1946, đồng chí được làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm đó, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Và tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm 1946 đến năm 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy đồng chí căn dặn là: phải đưa người và vũ khí lên Tây Nguyên để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Sau đó được phân công làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí cùng với tập thể lãnh đạo Trung ương Cục tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, góp phần thắng lợi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.  

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vào năm 1954 đến năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương phân công trở lại miền Nam để lãnh đạo cách mạng, từ thực tế cuộc đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ, đồng chí đã soạn thảo tài liệu Đường lối cách mạng miền Nam vạch phương hướng đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm. Trong những năm tháng vô cùng khó khăn, với sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, đồng chí Lê Duẩn đã kiên trì bám trụ để củng cố các cơ sở cách mạng, chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài chống đế quốc Mỹ xâm lược. Và năm 1957, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều động ra miền Bắc, cử vào Ban Bí thư, chủ trì công việc của Ban Bí thư và là Phó ban chuẩn bị Báo cáo chính trị cho Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc hình thành đường lối cách mạng cả nước.

Thực tiễn phức tạp của tình hình quốc tế trong những năm 60 và trước những thử thách quyết liệt của tình hình trong nước, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí đã trình bày bản phác thảo đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa cho cả nước trong thời kỳ quá độ, nhấn mạnh việc nắm vững chuyên chính vô sản và sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật làm then chốt, thực hiện công nghiệp hóa, phát triển đồng thời công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế và văn hóa (1).

Và Đại hội lần thứ V (năm 1982), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội này đồng chí Lê Duẩn cũng đã trình bày và phân tích chiến lược kinh tế - xã hội cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, đề ra chủ trương, kế hoạch xây dựng công nghiệp, cơ cấu đầu tư, tập trung sức phát triển kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ quan liêu bao cấp; thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý (2).    

Nhân kỷ niệm 107 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2014), chúng ta tưởng nhớ đến một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, một tấm gương sáng về đạo đức, về đạo lý sống phải có lao động, có tình thương và lẽ phải. Những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ tư duy lý luận cho Đảng ta, dân tộc ta lên tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Để đánh giá công lao của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định: “Là một nhà mác xít- lêninnít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp, lịch sử nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Tấm gương của đồng chí mãi mãi tươi sáng”(3)./.  

 


     

(1), (2), (3) Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam.-H.: Nxb CTQG, 2007.- trang 295 - 303.

 

                                        


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số