Tin mới nhất

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ DƯỚI GÓC NHÌN TỪ HỘI THẢO KHOA HỌC

Sáng 06/5/2014, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo khoa học “60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” với sự tham dự của toàn thể công chức, viên chức nhà trường và đại diện của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Thuận, dưới sự chủ trì của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thuận Bích, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị. 

Tham gia hội thảo có 26 bài tham luận của  24 tác giả; trong đó, có 03 bài của 03 đồng chí ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Các bài viết đã tập trung nghiên cứu, tiếp cận dưới nhiều khía cạnh, tạo nên một bức tranh tổng thể về chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Song, hơn tất cả, các bài viết đã làm nổi bật diễn biến, nguyên nhân, kết quả, ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thực tiễn của chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời, nêu rõ vai trò to lớn của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo chính trị - quân sự thiên tài Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, biết tìm ra cách đánh và cách thắng quân thù sao cho ít tổn thất nhất xương máu của bộ đội và nhân dân.

 Mặc dù bài viết rất đa dạng, phong phú, nhưng do khuôn khổ chật hẹp về thời gian của buổi hội thảo, chủ trì lựa chọn 09 bài thuộc các nội dung khác nhau để tham luận: Những chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ; trận Điện Biên Phủ - tình thế và hoạt động ngoại giao giữa các bên; chiến thắng Điện Biên Phủ và “phản ứng dây chuyền” trong phong trào dân tộc thế giới; ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ; góp phần tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ; “Đánh chắc, tiến chắc” - bài học bám sát thực tiễn trong công tác tham mưu hiện nay; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại - bài học rút ra từ chiến thắng Điện Biên Phủ; người vẽ tranh địch vận trên Bản Kéo - góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ; tìm hiểu về nghệ thuật chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ - năm 1954.

Ngoài các bài viết tham gia, ý kiến trao đổi tại hội thảo của những người đã từng đến Điện Biên Phủ trong dịp nhà trường tổ chức đi tham quan nghiên cứu thực tế tại các tỉnh Tây Bắc nước ta đầu năm 2012 và cả những người chưa từng một lần đến với Điện Biên Phủ, đều cảm nhận rõ nét những khó khăn mà quân và dân ta đã phải trải qua. Giữa núi rừng đại ngàn của vùng Tây Bắc, với một địa hình hiểm trở, thung lũng Mường Thanh bao quanh là các dãy núi cao, đã gây ra không ít khó khăn cho ta về bảo đảm hậu cần và kỹ thuật. Cùng với tập đoàn 49 cứ điểm, khu vực giao chiến rộng, so sánh về quân số, trang bị kỹ thuật chênh lệch, ta đã chọn cách “Đánh chắc, tiến chắc”, tập trung đánh một trận hoặc một số trận gối đầu liên tiếp, diệt từng cứ điểm, cuối cùng dứt điểm bằng cuộc tổng công kích đánh vào chỗ trọng yếu nhất của kẻ địch là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, bắt tướng chỉ huy tập đoàn và toàn bộ ban tham mưu của chúng.

Có được thắng lợi vẻ vang đó là nhờ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, giải quyết thành công những vấn đề phức tạp của thực tiễn kháng chiến; với truyền thống cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc, trẻ, già, trai, gái, cả nước ta khắp Bắc, Trung, Nam, miền xuôi, miền ngược nhất tề đứng dậy, người nào việc nấy đều đánh giặc giữ nước. Trên chiến trường, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công sát cánh chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng nhất quán dựa vào sức mình là chính, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; thắng lợi của đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chiến thắng của khoa học quân sự, cách đánh Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta và trên toàn bán đảo Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã… Đó là thắng lợi vĩ đại không chỉ của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

60 năm (1954 - 2014) đã trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ không hề phai mờ, mà vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng./.

                                                                                                                  


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số