Tin mới nhất

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - bài học về sự tôn trọng thực tiễn vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến của dân tộc ta. Với chiến thắng này, kế hoạch Nava đã bị phá sản, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Gieneve (20/7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Một quyết định lớn làm nên chiến thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đó là việc chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vì sao chuyển sang phương châm “Đánh chắc, thắng chắc”? đó là căn cứ vào thực tiễn. Khi Pháp chưa tăng cường lực lượng cho Điện Biên Phủ, hệ thống công sự, hầm hào, boogke, quân đội…của chúng còn hạn chế nên Bộ Chính Trị đã đề ra phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng khi Đại tướng lên đến nơi, đi khảo sát chiến trường, rồi căn cứ vào các thông tin tình báo thì thấy rằng, cứ điểm Điện Biên Phủ không còn là “con nhím” bình thường nữa mà đã trở thành một “con nhím” khổng lồ. Sức đề kháng và khả năng liên kết rất lớn; hỏa lực, binh lực và khả năng tiếp vận của chúng rất hoàn hảo. Trước tình hình đó, nếu như vẫn giữ phương châm đánh nhanh, thắng nhanh thì chắc chắn sẽ khó giành thắng lợi. Cho nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xin ý kiến và quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc, thắng chắc”.

Quyết định làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó xuất phát từ thực tiễn, luôn bám sát thực tiễn, không chủ quan duy ý chí. Khi thấy tình hình thay đổi thì mục tiêu tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ vẫn không thay đổi nhưng cách đánh thì phải thay đổi cho phù hợp với tình hình. Bài học lớn đó rất có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng CNXH.

Ngay từ Đại hội VI, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật đại hội đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đó là do tư tưởng chủ quan, nóng vội, không tôn trọng quy luật khách quan, không căn cứ vào thực tiễn. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra đường lối đổi mới toàn diện dựa vào thực tiễn, vào điều kiện cụ thể của đất nước.

Từ đó đến nay, trải qua 6 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn luôn luôn tôn trọng thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, dựa vào thực tiễn để từng bước phát triển sáng tạo lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên và đạt được những thành tựu rực rỡ: Nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, năm sau cao hơn năm trước; chúng ta giữ vững độc lập tự chủ về kinh tế, phát huy tốt các nguồn nội lực. Đời sống của các tầng lớp dân cư được nâng lên một bước rõ rệt. Giáo dục, đào tạo và khoa học được đẩy mạnh và phát triển, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Các vấn đề về xã hội như giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các gia đình liệt sĩ, người có công với nước; xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh và đã đạt được kết quả rất quan trọng. Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Chúng ta đã tạo ra một nền tảng vật chất và khoa học-kỹ thuật tương đối lớn, làm tiền đề, cơ sở cho việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng CNXH, giữ vững độc lập dân tộc trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng đất nước trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn các nhân tố gây mất ổn định khó lường. Tình hình trong nước với những khó khăn, thuận lợi đan xen, luôn đặt ra yêu cầu mới rất cao đối với cách mạng nước ta. Chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch quốc tế và những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước câu kết chống phá cách mạng nước ta rất quyết liệt với toan tính xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Chúng đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động với mưu đồ phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá ta, gây thù hằn, chia rẽ giữa các dân tộc, gây mất ổn định chính trị...

Vì thế, Đảng ta cần phải dựa trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, luôn bám sát thực tiễn, phân tích, phát hiện, nhận thức đúng đắn những phát triển mới của tình hình thế giới và trong nước để đề ra những chủ trương đúng đắn, phù hợp. Khi thực tiễn đã thay đổi thì mục tiêu xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vẫn giữ vững, nhưng kiên quyết thay đổi, bổ sung những chủ trương, chính sách, biện pháp không còn phù hợp, không có hiệu quả. Chúng ta không chủ quan, duy ý chí, không bảo thủ, giáo điều, dừng lại ở nhận thức và quan điểm cũ đã lỗi thời. Có như vậy mới đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi.

60 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn sống mãi với chúng ta, cổ vũ thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước vào mặt trận mới là đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số