Hồ Chí Minh luôn có thái độ trân trọng đối với những tinh hoa văn hoá cổ xưa của nhân loại. Người viết về Chúa Giêsu; “Suốt đời Ngài chỉ hy sinh, phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày ngài giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần thân ái của ngài chẳng những không phai nhạt mà tủa ra khắp, thấm vào đã sâu”1. Đồng thời, Người cũng kiên quyết lên án những kẻ lợi dụng danh nghĩa của Chúa để chống lại dân tộc. Theo Người, những người công giáo chân chính phải là những người:
“Phụng sự Đức Chúa,
Phụng sự Tổ quốc”2
Ở đất nước Ấn Độ, Người cho đây là: “Quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật và khoa học Ấn Độ lan khắp thế giới ”3 và đây cũng là đất nước coi Phật giáo là quốc giáo, Người cho rằng: “Đức Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn”, Đức Phật luôn yêu thương và giúp đỡ con người trong những lúc khó khăn khốn cùng.
Trong các tác phẩm của mình, Người đã khai thác, lựa chọn những yếu tố tích cực của nền văn hoá xưa và đưa vào đó những nội dung, ý nghĩa mới. Người viết: “Khẩu hiệu học không biết chán, dạy không biết mỏi” chính là của Khổng tử. Khổng tử là phong kiến và trong học thuyết của Khổng tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học. Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của đời trước”4. Hồ Chí Minh biết chắc mình không nhân từ và thánh thiện như Chúa Giêsu “Ta phải yêu mến các kẻ thù cuả ta” - khi mà kẻ thù đang giày xéo, cướp bóc, sát hại dân tộc của Người, nhưng bên trong con người Bác vẫn toả ra những điều mà Đức Chúa mong ước cho nhân loại: “Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau”, “hoà bình cho mọi người dưới trần thế”.
Hồ Chí Minh không những biết kế thừa chọn lọc các tác phẩm văn hoá cổ đại mà Người còn vận dụng nó một cách tài tình vào trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người nhắc đến việc “vua Thuấn cải trang làm dân đi cày dò la khắp xứ….đích thân tai nghe mắt thấy dân có bằng lòng mình không”5 để phê phán Khải Định đi sang Pháp nhưng không phải vì dân vì nước. Người viết lại câu chuyện Tây Thi và Đông Thi để vạch mặt bọn phản động trong và ngoài nước tìm mọi cách chống phá, chia rẽ và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng ở nước ta: “Trong lịch sử Trung Quốc có cô Tây thi rất đẹp và cô Đông Thi rất xấu. Tục ngữ nói: “Xấu hay làm tốt”. Thấy Tây Thi làm gì thì Đông Thi cũng bắt chước. Thấy Tây Thi nhăn mũi, “càng nghiêng nước, nghiêng thành ”, Đông Thi cũng bắt chước nhăn mũi, thì trời ơi không có con cú nào xấu đến thế. Thấy ta thực hành dân chủ, thì bọn Việt gian bù nhìn cũng muốn bắt chước. Mục đích của chúng là để lừa bịp đồng bào ta… nhưng chúng càng giả mặt dân chủ thì càng rõ mặt thật Việt gian”6.
Những lời Người dạy cán bộ, đảng viên, nhất là thanh niên thường được rút ra từ Đạo Khổng như câu “Muốn cách mạng thành công phải lấy dân làm gốc” có nguồn gốc từ câu “Dĩ dân vi bản” của Khổng tử; câu thơ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lắp bể, quyết chí ắt làm nên” có nguồn gốc từ câu “Thiên hạ vô nan sự, hậu chí sự cách thành” hoặc câu “Bốn phương vô sản đều là anh em” có nguồn gốc từ câu “Tứ hải giai huynh đệ” của Khổng tử
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. Vì theo Người đây là việc có tính chiến lược và lâu dài, Người nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăn năm trồng người” câu này có nguồn gốc từ câu “Thập thiên thụ mộc, bách thiên thụ nhân” của tác giả Quản Di Ngô thời chiến quốc.
Người không chỉ tinh thông văn hoá Trung Quốc cổ đại mà Người còn tinh thông cả văn hoá cổ ở các nước khác. Người đã từng nhắc đến một câu trong vở kịch “Hôi nghị Phụ nữ” của Aritôphan - nhà hài kịch Hy Lạp cổ: “Mọi người đều nên bình đẳng, đều nên cùng nhau hưởng giàu có và sung sướng, không nên để người này thì giàu có, người kia thì nghèo nàn”7. Hồ Chí Minh cũng đã công kích, châm chọc mỉa mai thực dân Pháp khi chúng đưa Varen lên làm toàn quyền xứ Đông Dương. Người viết: “trong một ánh chớp vui sướng, hệt như Acimét, vừa ra khỏi nhà tắm, Panhlơvi tự nhủ: ta sẽ cử đến đây một đảng viên xã hội”8
Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng rất lớn tinh hoa văn hoá Đông - Tây. Chính nền văn hoá Đông - Tây góp phần hình thành nên tư tưởng của Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đối với văn hoá cổ, Người không những trân trọng tôn kính mà còn vận dụng một cách linh hoạt vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tạo nên một di sản tinh thần quý báu cho dân tộc ta và góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của nhân loại./.
1 Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 1995, tr297
2 Sdd, tập 6, tr443
3 Hồ Chí Minh: Truyện và Ký, Văn học, 1985, tr201
4 Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr366
6 Sdd, tập 7, tr158
7 Báo nhân dân số 91, (1953)
8 Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H, 1995, tr147