Tin mới nhất

Bài học ứng phó với sự thay đổi nhìn từ trận Điện Biên Phủ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Sáng ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với chính phủ Pháp. Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) nói: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu, Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.

Tinh thần đó được Bác Hồ một lần nữa trao cho vị Đại tướng - Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp: “tướng quân tại ngoại …” và Đại tướng đã vận dụng sáng tạo trong 55 ngày đêm ở trận Điện Biên Phủ, quyết định chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngày 14/01/1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy mặt trận của Việt Minh phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh” và ngày nổ súng dự định là 20/01/1954. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 03 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân uỷ Trung ương cùng Bộ tổng tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc.

Do một đơn vị đại bác Việt Minh vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 05 ngày đến 17h ngày 25/01/1954. Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị lộ, Pháp biết được, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26/01. Ngày và đêm 25/01, Đại tướng Tổng tư lệnh quân Việt Minh Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và quyết định phải cho lui quân do ba khó khăn:

Thứ nhất, Bộ đội chủ lực Việt Minh cho đến thời điểm đó chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm.

Thứ hai, Trận này là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập.

Thứ ba, Bộ đội Việt Minh từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phương án “đánh nhanh thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” dần tập đoàn cứ điểm. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình.

Sau này khi tổng kết về chiến thắng của Việt Minh tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất được với nhau: một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Việt Minh tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn nguồn sức người, để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một việc mà đối phương cho rằng không thể giải quyết được.

Hiện nay, bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch với âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, tạo cớ can thiệp, luôn tìm mọi cách để chống phá sự nghiệp đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Phát huy tinh thần chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954); đồng thời vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, cần phải:

Một là, tích cực, chủ động nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ và thách thức trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần giữ vững nguyên tắc, mềm dẻo, sáng tạo trong sách lược, chủ động nắm bắt thời cơ tạo thế và lực thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và vận dụng thành công trong thời kỳ giành và giữ chính quyền; chiến thắng Điện Biên Phủ; đại thắng mùa xuân năm 1975. Với tinh thần đó, trên cơ sở phân tích, dự đoán, nắm chắc và tận dụng thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trải qua thử thách thời gian và lịch sử, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ khẳng định ý nghĩa thời sự nóng bỏng mà ngày càng khẳng định những giá trị lịch sử lâu bền. Những giá trị đó đang được phát huy bởi các mục tiêu, nhiệm vụ: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội -  Nó gắn bó mật thiết và thống nhất trong toàn bộ tiến trình cách mạng và trong công cuộc đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.

Ba là, nắm vững các quan điểm phát triển trong sự nghiệp CNH, HĐH, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững. Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành thành công sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ở nước ta.

Bốn là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng về hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội.Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi các văn bản pháp luật bảo đảm vận hành có hiệu quả nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” và bài học Điện Biên Phủ, giúp chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà 55 này đêm Điện Biên Phủ đã mang lại. 60 năm đã trôi qua, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ sau trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá; tư tưởng mang tầm thời đại của Điện Biên Phủ vào công cuộc đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đọan hiện nay./.

                                                                              


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số