Tin mới nhất

Tầm quan trọng của pháp luật đối với hệ thống chính trị Việt Nam

Pháp luật là sản phẩm của sự phát triển xã hội, ngay từ khi ra đời pháp luật luôn thể hiện vai trò quan trọng trong mọi hoạt động quản lý nhà nước cũng như quản lý xã hội. Xét ở phương diện bao quát, pháp luật là phương tiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, là phương tiện để nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, là kênh để nhân dân thể hiện tiếng nói, giúp nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Pháp luật có vai trò quan trọng đối với hệ thống chính trị nước ta.

Thứ nhất, đối với sự lãnh đạo của Đảng

Pháp luật là phương tiện thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, và đồng thời pháp luật cũng là phương tiện để Đảng kiểm tra kết quả việc thực hiện những đường lối, chính sách đó trong hoạt động thực tiễn xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân trao cho sứ mệnh vẻ vang là lãnh đạo đất nước, để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình Đảng đã ban hành những chủ trương, đường lối đúng đắn để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thông qua pháp luật mà nhà nước thể chế hóa những quan điểm của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, những đường lối chủ trương này trở thành những mệnh lệnh, chỉ chị mang tính chất quyền lực được nhà nước đảm bảo thực hiện thông qua hệ thống pháp luật, và cũng dựa vào pháp luật có thể phân biệt được đâu là những hành vi không tuân thủ đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, từ đó, có những biện pháp điều chỉnh thích hợp, nghĩa là pháp luật cũng chính là thước đo khuôn mẫu cho Đảng kiểm tra việc thực hiện những chủ trương, đường lối của mình trong đời sống xã hội.

Thứ hai, đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì nhà nước và pháp luật có cùng nguyên nhân phát sinh, cùng tồn tại và phát triển gắn liền với xã hội có giai cấp. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của nhà nước, cũng đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật. Với ý nghĩa đó, nhà nước không thể tồn tại và phát huy tiềm lực nếu thiếu pháp luật. Ngược lại, pháp luật chỉ phát sinh tồn tại và có hiệu lực khi dựa trên cơ sở sức mạnh của quyền lực nhà nước.

Để bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả, đòi hỏi phải phân định rõ chức năng, thẩm quyền của mỗi cơ quan, do đó pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước.

Dựa vào pháp luật, nhà nước có thể quản lý xã hội hiệu quả hơn, nói đúng hơn, nhà nước sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội trở nên trật tự, ổn định, và pháp luật là phương tiện để nhà nước triển khai các chính sách của nhà nước được đi vào đời sống một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, pháp luật còn là công cụ bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích của xã hội và mọi người dân, và nhân dân muốn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình cũng phải tuân theo các quy định pháp luật. Dựa vào pháp luật, nhà nước giải quyết những tranh chấp mâu thuẫn trong xã hội, đồng thời, đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, đối với các tổ chức chính trị - xã hội

Pháp luật là phương tiện đảm bảo cho các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, là công cụ hỗ trợ cho hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước và của công dân.

Pháp luật là cơ sở pháp lý đảm bảo cho nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội của mình.

Pháp luật cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước của nhân dân bằng các văn bản pháp luật như: Luật tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc…

Ngoài ra, pháp luật còn là cơ sở pháp lý để hình thành các mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan nhà nước. Pháp luật quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị - xã hội, và pháp luật cũng quy định cụ thể những việc mà nhà nước thực hiện đối với các tổ chức chính trị - xã hội.

Tóm lại, pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội nói chung và hệ thống chính trị nước ta nói riêng. Muốn xã hội ổn định và ngày càng phát triển cần phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ để điều chỉnh các hoạt động của con người và của toàn xã hội. Sự hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Vì vậy, để phát huy vai trò của pháp luật, trước hết, chúng ta cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của pháp luật đối với hoạt động của hệ thống chính trị của nước ta, cũng như vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội, cần xác định đúng thực trạng hệ thống pháp luật của nước ta để tìm thấy những nguyên nhân phát sinh yếu kém trong hoạt động xây dựng, ban hành pháp luật, cũng như hoạt động thực thi pháp luật. Từ đó, tìm ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những sai sót, hạn chế, tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống pháp luật hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân./.

 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số