Tin mới nhất

Nghiên cứu, giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về tính khoa học, tính cách mạng sáng tạo trong tư tưởng của Người.

Từ sau Đại hội VII (6/1991), công tác nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đã được đẩy mạnh, theo một chương trình tương đối có hệ thống. Cùng với các giáo trình quốc gia về khoa học Mác-Lênin và Lịch sử Đảng, giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được biên soạn và đưa vào giảng dạy ở các trường đại học và các trường chính trị tỉnh, thành phố. Riêng hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố giảng dạy theo giáo trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn.

Để hoàn chỉnh chương trình, giáo trình, ngày 01/6/1996 Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ra quyết định về Chương trình trung học chính trị theo quyết định số 88-QĐ/TW ngày 05/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII). Năm 1997, giáo trình gồm 12 môn (phần học) ra đời, đưa vào giảng dạy ở các trường chính trị tỉnh, thành phố. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm 03 bài: tư tưởng Hồ Chí Minh - nguồn gốc và quá trình hình thành; một số nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.

Do yêu cầu nhiệm vụ của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) giao, ngày 29/7/2009, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính) và tổ chức viết giáo trình gồm 07 phần học được thực hiện thống nhất ở tất cả các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01/9/2009 cho đến hiện nay. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 08 bài: nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân; tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở. Tuy chương trình, giáo trình có sự thay đổi về kết cấu, nội dung, thời gian, song với xu hướng ngày càng tăng về dung lượng kiến thức, điều đó chứng tỏ Đảng ta đánh giá rất cao việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đang nổi lên như một nguy cơ đáng lo ngại, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thực hiện hướng dẫn của học viện về chương trình, giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài 08 bài giảng, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã bổ sung một chuyển đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở tỉnh Bình Thuận, với thời gian 01 buổi, được triển khai cho tất cả các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung và tại chức, đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của địa phương về tấm gương đạo đức và lối sống cao đẹp của Hồ Chí Minh cả trong lý luận và thực tiễn. Song một khó khăn của nhà trường là đội ngũ giảng viên còn mỏng, nhất là giảng viên giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, hiện nay, đa số giảng viên giảng dạy môn học này được đào tạo từ các chuyên ngành khoa học khác nhau.

Để khắc phục khó khăn, bất cập, xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đủ về số lượng và chuyên ngành:

Đối với nhà trường: cần tiếp tục có kế hoạch chọn đi đào tạo chuyên sâu về Hồ Chí Minh học; đồng thời, cử giảng viên tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do học viện tổ chức.

Đối với giảng viên tham gia nghiên cứu, giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh: ngoài yêu cầu cần có chuyên ngành, nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh để có thể hiểu được tầm vóc Hồ Chí Minh, nhận ra được cái sâu sắc, cao đẹp ẩn chứa bên dưới những cái tưởng như rất giản dị, bình thường ở Người, còn phải phải tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, trau dồi vốn tri thức rộng, đa ngành, có vốn văn hóa, lý luận, vốn sống, chỉ như vậy mới truyền tải được nội dung bài giảng đến người học. Mặt khác, phải đầu tư công sức, tâm huyết tương xứng cho mỗi bài giảng, tiết giảng; phải có một tình cảm, đạo đức cách mạng trong sáng thể hiện ở lòng kính yêu, niềm tự hào đối với tư tưởng, đạo đức, lối sống của Người; ở việc tự tu dưỡng đạo đức, lý tưởng trong cuộc sống hàng ngày; ở tấm gương sáng về đạo đức, lối sống… Có như vậy, người giảng mới truyền đạt được những rung cảm chân thành của mình đến với người học; mới thuyết phục được người học bằng chân lý khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số