Ngày nay, gia đình có thể biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu, hình thức và chuẩn mực trong các mối quan hệ, nhưng vị trí, vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội thì vẫn không thay đổi.
Trên cơ sở những chuẩn mực này, cần phải có phương thức tổ chức gia đình hợp lý, phát huy thế mạnh của những hình thức gia đình hạt nhân hoặc gia đình mở rộng trong từng điều kiện phát triển cụ thể của mỗi gia đình. Tiếp tục thực hiện quy mô gia đình ít con theo tiêu chí mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con, giữ gìn sự bình đẳng vợ chồng, thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
Chúng ta cũng phải đẩy mạnh việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình, coi giáo dục gia đình không chỉ là một khâu quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân mà còn là một giải pháp không thể thiếu trong việc củng cố gia đình. Gia đình chú trọng hơn tới việc hình thành những chuẩn mực mới về gia phong, gia giáo, gia lễ, gia quy… trên cơ sở kế thừa những mặt tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, xây dựng những nội dung và hình thức mới trong giáo dục gia đình phù hợp hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển đất nước.
Các chuẩn mực văn hóa gia đình mới phải là sự kết hợp giữa những giá trị của đạo đức với những quy định của pháp luật. Những quy chuẩn về pháp luật sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc phát triển của những quy chuẩn về đạo đức. Ngược lại, những quy chuẩn đạo đức lại là động lực tinh thần, ý thức tự giác cho việc tuân thủ những quy chuẩn pháp luật. Việc tuân thủ những nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức và pháp luật trong các mối quan hệ gia đình là phương thức đúng đắn để xây dựng, củng cố và phát triển những chuẩn mực mới về văn hóa gia đình.
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm xuất phát từ truyền thống đạo lý từ mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg ngày 04 tháng 5 năm 2001 chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Hằng loạt các văn bản của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương được ban hành nhằm tạo điều kiện mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Gia đình được xây dựng và phát triển trên những giá trị nhân văn và tiến bộ, trên cơ sở của quan điểm về bình đẳng giới và quyền trẻ em đã tạo ra những hệ thống chuẩn mực giá trị nền tảng là văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình tồn tại bền vững, lan tỏa sâu rộng sẽ trở thành khuôn mẫu cho việc ứng dụng và truyền nối trở thành bản sắc của gia đình Việt Nam./.