Tin mới nhất

Ghi nhận từ chuyến đi Côn Đảo

Vượt gần 400 cây số, từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, đúng 16h ngày 30/5/2014, đoàn chúng tôi gồm 11 người về với Côn Đảo. Và rồi khi hình ảnh của một quần đảo sừng sững giữa biển Đông dần xuất hiện; bao nỗi khát khao, mong ước của tôi từ lâu đã trở thành hiện thực. Từ đây, tôi sẽ được tìm hiểu về Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc đối với các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sau khi thăm hỏi người dân địa phương, 22h cùng ngày đoàn chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghĩ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Hơn 113 năm dưới ách cai trị của bọn thực dân, đế quốc, hàng chục ngàn lượt tù nhân đã bị đày ải giam cầm và tra tấn bằng những cực hình vô cùng tàn bạo; trong số đó, có khoảng 200.000 tù nhân đã mãi mãi nằm lại Hàng Dương - Côn Đảo. Khi đặt chân vào Nghĩa trang, cái hồ hởi, hoạt bát, sôi động của chúng tôi đã tan biến, và thay vào đó là một tấm lòng tiếc thương, trang nghiêm, mỗi thành viên của đoàn đều kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của hàng vạn người Cộng sản đã nằm xuống nơi đây. Những đồi cát hoang vắng nơi hải đảo xa xôi này đã ôm ấp hàng vạn di hài của những người tù yêu nước; trong đó có cả những người con ưu tú của Bình Thuận.

Đến nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo tất cả đều đến viếng mộ phần của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, cái chết của Chị đã đi vào huyền thoại. Tuy ở hải đảo xa xôi, khí hậu khắc nghiệt với núi đá, mưa rừng và gió biển… nhưng trên mộ phần của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu lúc nào cũng có hoa thơm, trái ngọt được du khách mang ra từ đất liền dâng lên với tấm lòng thành kính. Từng thành viên của đoàn đã không khỏi xúc động khi nghe người thuyết minh kể những câu chuyện về Chị. Từ lâu, mộ phần của nữ anh hùng Võ Thị sáu đã trở thành nơi gửi gắm tâm linh của người dân địa phương và du khách. Mỗi người một cảm xúc khác nhau nhưng tất cả đều chan chứa niềm tự hào và xúc động trước sự hy sinh lớn lao của những chiến sĩ yêu nước, các anh hùng liệt sĩ, đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây để có được cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay.

Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi đã lần lượt đến tham quan những di tích lịch sử khác tại Côn Đảo. Dinh Chúa đảo - nay là Nhà Bảo tàng Côn Đảo. Những chứng tích tra tấn tù nhân chính trị rất dã man, tàn độc của bọn thực dân, đế quốc; những di vật còn ghi dấu ấn một thời đấu tranh gian khổ, ác liệt của những người chiến sĩ cách mạng. Tất cả như nối kết, tái hiện lại một thời tăm tối, đau thương nhưng rất đỗi kiên cường, bất khuất của những người cộng sản nơi “Địa ngục trần gian” này. Con đường dẫn đoàn tham quan đến Trại tù Phú Hải giờ đây sạch sẽ và rợp bóng mát bởi hàng cây cổ thụ Bàng vuông hai bên đường. Nhưng còn đó, gần như là nguyên vẹn những hàng rào dây thép gai, những cổng giam, nhà khám âm u, tăm tối. Khoảng sân rộng, thoáng đảng trong Trại cải huấn - một hình thức mị dân để che đậy, bưng bít thủ đoạn giam hãm, tra tấn những người cộng sản bằng nhiều hình thức man rợ tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sự thực lịch sử dần được sáng tỏ hơn khi tôi được tận mắt chứng kiến những xà lim tăm tối, ngột ngạt, gông cùm mà những người chiến sĩ cộng sản đã phải gánh chịu. Những Band, khám, phòng giam… mà từ trước đến nay chỉ được nghe thấy qua sách báo, tranh ảnh thì giờ đây nó đang hiển hiện, phơi bày thực tế.

Chuồng Cọp- cách thức giam cầm và tra tấn bằng những ngón đòn được kết hợp từ những hình thức tra tấn dã man từ thời trung cổ với cái tinh vi, ác hiểm thời hiện đại, đã khiến những ai một lần đến đây chứng kiến đều phải rùng mình, căm phẫn. Từ các hình thức như: rắc vôi bột rồi tạt nước xuống tù nhân trong mùa nóng, để thân thể người tù nóng dần và lỡ loét, đến cách thức tắm nước lạnh, dơ bẩn vào mùa đông… có lẽ không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được sự man rợ, ác hiểm mà bọn thực dân Pháp đã sử dụng đối đãi với những chiến sĩ yêu nước Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong cách thức giam cầm, tra tấn tù nhân của đế quốc Mỹ so với bọn thực dân Pháp, chúng tôi đã đếm tham quan Chuồng Cọp kiểu Mỹ. Nhìn vẽ bề ngoài tưởng chừng người tù sẽ dễ thở hơn. Nhưng không, nếu như dưới thời cai trị của thực dân Pháp, người tù chính trị bị tra tấn đau đớn, dã man về mặt thể xác thì ở thời đế quốc Mỹ càng khủng khiếp hơn khi tinh thần của những người yêu nước bị bọn đế quốc và tai sai đem ra băm dằm, đày đọa không từ một thủ đoạn độc ác nào.

Hai ngày đến với Côn Đảo quả là quá ngắn ngủi, không đủ để 11người chúng tôi hiểu hết, hiểu rõ về những gian lao mà các cựu tù chính trị đã trải qua. Thế nhưng, với mỗi người, đó quả là những phút giây quý báu, là bài học lịch sử không thể nào quên, để càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình hôm nay. 

13h ngày 02/06/2014, đoàn chúng tôi ra sân bay, kết thúc chuyến hành trình Côn Đảo. Một lần nữa ngồi trên máy bay nhìn ngắm toàn cảnh Côn Đảo, hầu hết các thành viên trong đoàn đều nhận thấy Côn Đảo đẹp hơn, rộng lớn hơn nhưng phảng phất một nỗi buồn khó tả. Bởi nơi đây đã chứng kiến, chứa chất quá nhiều đau thương mất mát, ghi dấu lịch sử bi hùng của dân tộc. Côn Đảo mãi mãi là trang sử vẽ vang, mang giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Qua chuyến đi này, tôi và các thành viên trong đoàn đã có dịp hiểu và tận mắt chứng kiến những chứng tích tội ác của thực dân, đế quốc và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước nơi địa ngục trần gian Côn Đảo. Từ đó, càng thấy giá trị độc lập tự do của Tổ quốc và ấm no hạnh phúc của nhân dân đã phải thấm bao máu xương của cả dân tộc anh hùng để mỗi người đặt ra câu hỏi từ đáy lòng mình hãy làm những gì với Tổ quốc hôm nay./. 


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số