Tin mới nhất

Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về phát huy nhân tố con người qua các kỳ đại hội Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời tới nay, luôn chăm lo phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng ta xác định rất rõ rằng: con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Bởi vì, mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước suy cho cùng  là phải hướng tới phục vụ con người, vì con người và giải phóng con người.

Chính vì lẽ đó, trước khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH thông qua tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991) Đảng ta khẳng định: “phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”.

Vấn đề phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đại hội VIII của Đảng tiếp tục khẳng: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Từ sau Đại hội VIII, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng cũng đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiều lĩnh vực trong đó có liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người.

Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực. Nghị quyết nêu: “Lấy việc phát huy nhân tố con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”.

Đại hội X cũng chỉ ra: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế”.

Đại hội XI (2011) kế thừa và phát triển quan điểm phát triển nguồn nhân lực từ các đại hội trước, đã nêu rõ mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để đạt được mục tiêu đó Đảng đã xác định ba khâu đột phá chiến lược, trong đó “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” được khẳng định là khâu đột phá thứ hai. Đây được xem là khâu đột phá phù hợp với hoàn cảnh nguồn nhân lực nước ta hiện nay khi hội nhập kinh tế quốc tế, với sự cạnh tranh diễn ra vô cùng quyết liệt và cuộc cách mạng khoa học, công nghệ. Đó vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đòi hỏi chúng ta buộc phải nâng cao chất lượng nhân tố con người. Đại hội XI của Đảng đồng thời cũng xác định rõ phải “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Và để thực hiện chiến lược này, Đại hội XI cũng nêu rõ những giải pháp trực tiếp cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đó là: “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam”; “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”; “Xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam”.   

Tầm quan trọng của nhân tố con người ngày càng được thể hiện rõ, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức như hiện nay. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với quan điểm chỉ đạo rằng : “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Một lần nữa, gần đây nhất Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước lại tiếp tục được Đảng quan tâm nhấn mạnh với mục tiêu lớn lao “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Như vậy, với những chiến lược về phát huy nhân tố con người của Đảng ta trong suốt chặng đường phát triển đất nước rõ ràng đã phát huy hiệu quả và đến nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trình độ dân trí ngày càng cao, kinh tế cũng ngày càng khởi sắc và trên đà phát triển ổn định, đời sống của người dân được cải biến rõ nét, con người được tạo điều kiện phát triển toàn diện, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều này một lần nữa khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và chủ trương chính sách của Nhà nước hợp lý, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm lo phát triển nhân tố con người của Đảng và Nhà nước ta./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số