Tin mới nhất

Sự phát triển con đường yêu nước ở Việt Nam vào đầu thế kỷ xx

Nước ta trải qua gần 10 thế kỷ phong kiến, các triều đại được hình thành là kết quả của chiến thắng xâm lược của nhân dân ta. Việc cướp ngôi vua, thay đổi triều đại, xét đến cùng, cũng do tác động của các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Triều Nguyễn được hình thành trên cơ sở đàn áp cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Vào giữa thế kỷ XIX, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta đã cùng triều đình đánh giặc cứu nước. Nhưng triều đình Huế từ yếu ớt, đến nhượng bộ đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp. Nhân dân ta không còn con đường nào khác là giương cao ngọn cờ phong kiến, phò vua chống thực dân Pháp – về thực chất đây là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Cuối thế kỷ XIX, các phong trào yêu nước do giai cấp phong kiến lãnh đạo bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, kết thúc con đường cứu nước theo kiểu phong kiến. 

Lúc này, trên thế giới, các nước thuộc địa và phụ thuộc đã hình thành hai con đường cứu nước: con đường các mạng vô sản và con đường dân chủ tư sản. Con đường dân chủ tư sản là bước tiến bộ lớn trong phong trào cứu nước, tuy nhiên đã tỏ ra bất lực khi giương ngọn cờ đấu tranh chống giai cấp phong kiến.  Họ không đảm nhận vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn phản bội, làm tay sai cho thực dân, đế quốc. Con đường cách mạng vô sản hình thành trong điều kiện giai cấp công nhân ở một số nước còn nhỏ yếu, giai cấp tư sản dân tộc khá lớn mạnh và ít nhiều thể hiện tinh thần dân tộc. Trong điều kiện đó, giai cấp tư sản dân tộc dễ dàng có ưu thế nắm giữ lá cờ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tình hình đó, cũng ảnh hưởng đến nước ta, nhưng với truyền thống và điều kiện lịch sử - xã hội của mình, dân tộc ta đi theo con đường cách mạng vô sản.

Các chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tạo ra sự chuyển biến to lớn trong xã hội Việt Nam.1 Chính những biến đổi này cùng với sự ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản từ nước ngoài vào đã hình thành lực lượng đấu tranh chống thực dân Pháp theo con đường dân chủ tư sản.

Phong trào yêu nước theo con đường dân chủ tư sản ở Việt Nam bấy giờ,  tiêu biểu là con đường mà Phan Bội Châu nêu ra đã thể hiện một xu hướng tích cực, để lại những bài học kinh nghiệm quí báu; khơi dậy tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước trong toàn thể nhân dân.

Song do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, phong trào yêu nước theo con đường dân chủ tư sản còn hạn chế là: quá trông chờ vào ngoại viện, cầu mong sự giúp đỡ ở bên ngoài, mà cụ thể là Nhật Bản – một nước sau khi thoát khỏi nguy cơ mất nước đã đi theo con đường tư bản rồi trở thành đế quốc đi xâm lược các nước khác. Sau này, Hồ Chí Minh đã không tán thành con đường mà Phan Bội Châu đã lựa chọn vì nó nguy hiểm chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”2.

Tóm lại, các nhà yêu nước theo con đường dân chủ tư sản ở nước ta vào đầu thế kỷ XX yêu nước nồng nàn, mong muốn giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp nhưng họ chưa tìm ra được một đường lối đúng đắn cho cả dân tộc.

Đến đầu thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong quá trình khai thác, bóc lột của thực dân Pháp; đây là lực lượng mới của Việt Nam và “từng bước thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình”3. Do đa phần xuất thân từ giai cấp nông dân nên giai cấp công nhân Việt Nam gắn bó chặt chẽ với nông dân và trong quá trình hình thành, phát triển của mình, giai cấp công nhân đã kết hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh của mình với phong trào yêu nước.

Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh từ lòng yêu thương đồng bào, đã mở rộng ra yêu thương những người cùng khổ và nhân dân lao động trên thế giới. Cũng trong giai đoạn này, Người đã trở thành người công nhân, người cộng sản và chiến sĩ quốc tế.

Từ đó, có thể thấy rằng, chính sự hình thành và phát triển lớn mạnh của giai cấp công nhân trong nước kết hợp với phong trào yêu nước là cơ sở xã hội quan trọng để Hồ Chí Minh truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, xác định con đường yêu nước đúng đắn và đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn bộ phong trào cách mạng Việt Nam, dĩ nhiên trong đó có các cuộc đấu tranh của lực lượng yêu nước khác nhưng có sự hợp tác, đoàn kết vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Xác định con đường cứu nước ở Việt Nam là con đường vô sản, vừa có tính bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ở nước ta, vừa là sự kế thừa truyền thống yêu nước của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Con đường cứu nước vô sản còn có ý nghĩa quyết định đối với đường lối cách mạng Việt Nam thế kỷ XX và có ý nghĩa quốc tế trong việc xác nhận sự thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới theo chủ nghĩa xã hội./.


1. Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB KHXH, H, 1985, tr84-108.

2. Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch – Trần Dân Tiên,   NXB Sự Thật, H, 1976, tr12-13.

3. Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam – Đỗ Quang Hưng, NXB CTQG, H, 1997, tr440.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số