Đất nước đau mình đẫm lệ khóc vì các anh, điều mà những người còn sống có thể làm cho các anh đó là cố gắng sống sao cho xứng đáng với công ơn những người đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, và sẽ luôn quan tâm chăm sóc gia đình những người có công với đất nước, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.
Tháng Bảy là tháng tri ân, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh đã hi sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Ngày 27-7-1947 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc (Và từ năm 1955, ngày 27/7 được đổi tên thành ngày Thương binh Liệt sĩ) để đồng bào cả nước "tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh".
Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Khi còn sống, Hồ Chủ Tịch luôn rất quan tâm về các chính sách đối với những thương binh, liệt sĩ, người thường xuyên gửi thư thăm hỏi và gửi quà cho các anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Đảng và Nhà nước ta đã và đang có rất nhiều chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với những người có công, cũng như gia đình, con em của họ. Cách đây gần 20 năm, ngày 29-8-1994, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và 2002. Để phù hợp với điều kiện thực tế của giai đoạn hiện nay, năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thay thế cho Pháp lệnh 1994 với nhiều quy định thiết thực ưu đãi người có công như: Liệt sĩ được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công, Liệt sĩ được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại địa phương nơi cư trú của gia đình. Thân nhân liệt sĩ được trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử, con của liệt sĩ được ưu tiên trong tuyển sinh và tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo. Các mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng các chế độ ưu đãi như chế độ của liệt sĩ. Ngoài ra, còn được hưởng phụ cấp hàng tháng, được Nhà nước và nhân dân tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở và nhiều ưu đãi quan tâm khác.
Đó là sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng dân tộc, tuy không thể nào bù đắp trọn vẹn công lao ấy, nhưng những người con Việt Nam đang xây dựng đất nước hôm nay luôn cố gắng sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước, cố gắng quan tâm, chăm sóc người thân của các anh hùng thương binh, liệt sĩ.
Tưởng nhớ và tri ân với những người thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ không phải chỉ là công việc của ngày 27/7, mà đó là việc làm thường xuyên, xuyên suốt hằng ngày, hàng tháng, hàng năm, không phải chỉ là việc của một cá nhân, một tổ chức riêng lẽ mà nó là nghĩa vụ thiêng liêng của một đất nước, một dân tộc.
Do vậy, hãy sống sao cho xứng đáng với công lao to lớn ấy, hãy thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và hãy chung tay cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tích cực những hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đến những thương binh, liệt sĩ và người thân của họ./.