Tin mới nhất

Tìm hiểu về ngày thương binh, liệt sĩ

Hàng năm, cứ đến ngày 27-7, đồng bào cả nước, lại nhớ về những anh hùng của dân tộc đã quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước. Để tỏ lòng tri ân những người đã khuất, đã bị thương trong các cuộc chiến tranh để mang lại hoàn bình cho đất nước, chúng ta cùng tìm hiểu về ngày lịch sử trọng đại này. 

67 năm đã trôi qua, ngày 27/7 được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống “uống nước nhớ nguồnđền ơn đáp nghĩaăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

“Dù ai đi Đông về Tây

27 tháng 7 nhớ ngày thương binh.

Dù ai lên thác xuống ghềnh

27 tháng 7 thương binh nhớ ngày”

Ngày 27-7 đã trở thành ngày lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Ngày lịch sử này ra đời trong bối cảnh:

Sau khi Cách mạng Tháng 8 - 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn  đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải  mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự vấn với lòng mình rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh - bệnh binh cả vật chất lẫn tinh thần một cách tận tình chu đáo.

Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ tịch đã tới dự. Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giầy mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 19/12/1946, kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Tháng 6/1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung ương hội phụ nữ cứu quốc, Trung ương đoàn thanh niên cứu quốc, cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.

Ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham dự). Tại đây Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ Tịch. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ Tịch cũng có thư và quà gửi  anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Tháng 7/1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27-7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh Liệt sĩ.

Kế thừa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta luôn ghi nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh và liệt sĩ. Hàng năm, vào ngày 27-7, cả nước diễn ra nhiều hoạt động long trọng kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Từ trung ương đến địa phương đều tổ chức các đoàn lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể đến thăm, tặng quà cho các gia đình thuộc diện chính sách, viếng nghĩa trang liệt sỹ và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Thế hệ hôm nay được sống trong cảnh hòa bình, hãy ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số