Tin mới nhất

Đấu tranh với Trung Quốc trên biển đông, Việt Nam “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”!

Suốt 75 ngày qua, kể từ 02/5/2014, phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam đến 21h05 phút ngày 15/7/2014, họ đã rút giàn khoan này khỏi vùng biển của Việt Nam là khoảng thời gian Trung Quốc “khuấy đục”  biển Đông và khuấy động dư luận quốc tế; đồng thời làm tổn thất đến quan hệ không chỉ giữa Việt Nam -Trung Quốc mà còn giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ hành động đơn phương của phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở biển Đông làm cho tình hình trở nên căng thẳng. 

Qua “lăng kính”  biển Đông để hiểu rõ kịch bản của Trung Quốc đang thực hiện những mưu đồ toan tính gì với vùng biển rất nhạy cảm cả về địa kinh tế và địa chính trị ở khu vực này.   Về mục đích kinh tế; với những bước phát triển mạnh mẽ liên tục nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ) và họ đang tham vọng vươn lên vị trí hàng đầu trong tương lại không xa. Trong khi nguồn năng lượng dầu mỏ của thế giới đang cạn dần thì trữ lượng dầu khí ở biển Đông đang là “giấc mơ vàng” của Trung Quốc để đáp ứng cho “con hổ” công nghiệp đang vươn mình trổi dậy. Ngay từ những năm đầu của thập niên bảy mươi, thế kỷ XX, Trung Quốc đã có chủ trương hướng mạnh về kinh tế biển, nhất là từ khi thăm dò và có kết luận về trữ lượng dầu khí ở biển Đông thì khát vọng bành trướng của quốc gia này càng thể hiện rõ từ việc đưa ra yêu sách phi lý, ngang ngược về đường “lưỡi bò”, còn gọi là đường gấp khúc 9 đoạn (hiện nay đã cho lên mười đọan), “nuốt” gần trọn diện tích biển Đông, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của nhiều quốc gia trong khu vực Đông nam Á, nhất là Việt nam và Philippines; đến việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam vừa qua là từng bước chuyển hóa từ không tranh chấp thành tranh chấp để đi đến gác tranh chấp cùng khai thác.

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng việc Trung Quốc có những hành động ứng xử ngang ngược trong thời gian qua nhuốm đầy màu sắc chính trị. Bởi khu vực biển Đông là “yết hầu” của giao thông hàng hải;  2/3 lượng hàng hóa vận bằng tải đường biển quốc tế đi quan khu vực này; mặt khác, khi Mỹ đang xoay trục, chuyển hướng về châu Á, nơi có nhiều đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan…, do đó Trung Quốc biểu võ dương oai, bất chấp luật pháp quốc tế, cố mở rộng “biên giới mềm” nhằm thể hiện vai trò và chủ quyền trên biển Đông, hướng tới cân bằng quyền lực với các đối trọng. Do đó thực hiện những động thái vừa qua cũng là phép thử phản ứng của thế giới, trước hết là của Việt Nam, của các nước trong khu vực và Mỹ để chuẩn bị cho những hành động chiến lược lâu dài đối với mưu đồ bành trướng lãnh thổ, độc chiếm biển Đông; đồng thời là thời cơ hạ nhiệt, đẩy mâu thuẩn ra bên ngoài nhằm giảm áp lực trong nước khi khu vực Tân Cương đang phải đối đầu với những bất ổn trước nạn khủng bố nghiêm trọng. Tuy nhiên những mưu toan đầy tính chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Bắc Kinh không dễ dàng đi đến mục đích khi nhân loại đang tiến tới một “thế giới phẳng”, không thể nào chấp nhận một quốc gia có quyền tự xưng hùng, xưng bá để hung hăng “chọc trời khuấy nước”.

Hơn hai tháng qua,Trung Quốc đã phải đương đầu với những thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị khi giàn khoan Hải Dương 981 ngang bướng mọc lên trên vùng biển Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, mỗi ngày Trung Quốc phải chi phí cho riêng giàn khoan đến 300.000 USD, đó là chưa kể đến đội tàu hiếu chiến hơn 100 chiếc bảo vệ giàn khoan này. Về chính trị, ngoại giao, Trung Quốc luôn gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận khắp nơi trên thế giới về hành động sai trái bất chấp luật pháp quốc tế và tình cảm hữu nghị láng giềng, thực hiện hành động gây hấn trên biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La diễn ra hồi tháng 6 vừa qua ở Singapore, nguyên thủ và lãnh đạo các nước như Nhật Bản và Mỹ đã kịch liệt lên án các hành vi ngạo mạn của Trung Quốc, khiến đoàn đại biểu Trung Quốc phải dùng đến “lý sự cùn” để lớn tiếng đe dọa các nước khác. Ở trong nước, dư luận Trung Quốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói phản đối hành vi bất nghĩa của lãnh đạo nước mình đối với các nước láng giềng. Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng việc chính phủ của họ “gây chuyện” với các nước láng giềng sẽ không đem đến một kết cục có lợi, đồng thời phản bác những lập luận mà nhà cầm quyền đưa ra về tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò”. Trong bối cảnh đó, uy tín quốc tế của Trung Quốc sẽ ngày càng giảm sút trước sức ép từ dư luận của cộng đồng thế giới và trong nước, buộc Trung Quốc không còn con đường nào khác, đành phải đưa ra tuyên bố rằng giàn khoan Hải Dương 981 đã “hoàn thành nhiệm vụ” để rút khỏi vùng biển Việt Nam.

Một lần nữa chính nghĩa lại đứng về phía Việt Nam. Trong suốt hơn 2 tháng qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn nhận được những tiếng nói của các nước và các tổ chức quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc ủng hộ Việt Nam và các nước trong khu vực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trước hành động hung hăng, hiếu chiến của phía Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn; Đem trí nhân để thay cường bạo như điều ông cha ta trước đây đã dạy. Tuy mềm dẻo, nhưng Việt Nam không hề có bất cứ một sự nhượng bộ nào trước những hành động bất chấp pháp lý và đạo lý của phía Trung Quốc. Mặc dù có tổn thất về tài sản và hiểm nguy đến tính mạng, sức khỏe, nhưng lực lượng thực thi pháp luật cùng ngư dân Việt Nam vẫn không chùn bước, kiên quyết bám biển và đấu tranh nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ lãnh thổ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hiện vẫn chưa rõ toan tính thực sự của Trung Quốc đằng sau động thái rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, và cũng chưa ai dám chắc giàn khoan này sẽ không còn quay lại. Nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, nhân dân Việt Nam vẫn không hề khuất phục, biển Việt Nam vẫn sẵn sàng những cơn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số