Tin mới nhất

Thương nhớ đồng chí Phạm Văn Xô người Cộng sản mẫu mực và kiên trung

Để tưởng nhớ về tấm gương mẫu mực, đức độ của đồng chí Phạm Văn Xô, người cán bộ lão thành nhân hậu, giản dị, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Chúng ta hãy cùng ôn lại những chặng đường hoạt động cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ mà đồng chí đã trải qua góp phần quan trọng trong chiến thắng của toàn dân tộc.

Một trái tim hiền hòa, trung hậu của người cán bộ lão thành cách mạng đã ngừng đập vào ngày 17/8/2005 - đồng chí Phạm Văn Xô (tên gọi khác nhau của đồng chí là: “anh Hai Già”, “anh Hai Xô”, “anh Tư Thường”, “anh Chủ tịch xe ngựa”.

Đồng chí Phạm Văn Xô, tên thật là Trần Văn Đạt, sinh năm 1910 tại thôn Phú Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân nghèo, mới ba tháng tuổi, đã mồ côi cha, cuộc sống đói khát, đồng chí phải đi ở đợ và bị chủ đánh đập. Đồng chí trốn ở đợ và đi vào Sài Gòn học đóng giày, tại đây được đồng chí Lê Văn Lương giác ngộ cách mạng, giới thiệu đồng chí vào Đảng năm 1930. Cuộc đời cách mạng của đồng chí bắt đầu từ đây.

Theo sự phân công của Đảng, cuối năm 1932 đồng chí sang Lào tìm cách móc nối với cơ sở để xây dựng lại phong trào ở Viêng Chăn và được các đồng chí tín nhiệm phân công làm Bí thư Đảng ở Viêng Chăn. Tháng 3/1935, đồng chí được quyết định đi dự Đại hội Đảng lần thứ I tại Ma Cao (Trung Quốc) và được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trên đường đi qua Xiêm, đồng chí đến Udon và đã bị bắt cùng các đồng chí cộng sản Xiêm. Để bảo vệ cho các anh em trong Xứ ủy, đồng chí đã nhận tài liệu quốc cấm bị tịch thu khi khám xét là của mình, tòa án Xiêm kết án đồng chí 10 năm tù vào năm 1936. Đến tháng 8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, đồng chí được thả ra. Và cuối năm 1949, đồng chí được Xứ ủy Nam Bộ cử làm Phó Bí thư Ban Cán sự toàn Miên.

Khi Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, đồng chí được quyết định về Nam Bộ tham gia Xứ ủy Nam Bộ, phụ trách công việc xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền Đông Nam Bộ. Tại đây, đồng chí đã chỉ đạo và bàn kế hoạch công tác một cách tỉ mỉ và nghiêm khắc. Mặc dù đồng chí đã làm rất nhiều cho cách mạng, cho dân, cho đất nước, nhưng đồng chí không bao giờ kể công của mình: “Tôi làm vì tôi là đảng viên Đảng Cộng sản. Cố gắng làm tròn nhiệm vụ người đảng viên là tốt rồi, nói gì đến công lao”(1).

Cuộc sống của đồng chí rất giản dị, thanh bạch dù ở bất cứ hoàn cảnh nào và ngay cả trong kháng chiến cũng như trong hòa bình. Vì vậy, có thể nói đồng chí là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói ít làm nhiều, khi bần hàn mà không nản chí, trước uy vũ, tù đày không khuất phục, lúc phú quý, danh vọng không thay lòng đổi dạ.

Đến đầu năm 1957, trước tình hình Mỹ - Diệm đàn áp dã man người kháng chiến và đồng bào yêu nước, cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử đất nước theo Hiệp định Giơnevơ không còn tác dụng, đồng chí về lại miền Nam và được Xứ ủy Nam Bộ phân công phụ trách xây dựng căn cứ đứng chân cho Xứ ủy và liên lạc với Trung ương, trong một chuyến đi công tác vào ngày 06/01/1960, đồng chí đã bị bắt ở Krek và bị giam ở nhà tù Toul Kor (gần Phnôm Pênh). Sau bốn tháng bị giam cầm, nhờ các anh em trong tù giúp đỡ, đồng chí đã vượt ngục về miền Nam, tham gia Thường vụ Trung ương Cục, phụ trách Ban Kinh tài Miền và là Chủ tịch Hội đồng cung cấp tiền phương đến ngày toàn thắng.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được Trung ương phân công làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu. Sau này, mặc dù tuổi cao, mắt kém nhưng đồng chí vẫn chăm đọc và nghiên cứu các sách lý luận. Gần đây, khi nghe tin Trung ương Đảng và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho đồng chí, đồng chí vẫn khiêm tốn cười nói: “Mình đâu xứng đáng với Huân chương cao quý đó. Mình đã được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh đã là quý rồi, là quá cao rồi”(2).

Ngày nay, khi được nghe và đọc những câu chuyện về đồng chí Phạm Văn Xô, tôi và chắc hẳn cả những bạn trẻ như tôi đều tâm niệm một điều rằng: phải sống và làm việc làm sao cho xứng đáng với những gì mà đồng chí hằng mong muốn: “Làm cách mạng là phải chịu đựng gian khổ, phải hy sinh thân mình vì lý tưởng”(3)... Đã có không ít người lo ngại cho thế hệ chúng tôi quá thực dụng, sống không có lý tưởng. Nhưng thực tế chúng tôi - những trí thức trẻ vẫn đang tiếp tục thắp ngọn đuốc mà những tấm gương tiêu biểu như đồng chí đã nhen lên, mang tiếp lửa nhiệt tình tới thế hệ chúng tôi, giúp chúng tôi cố gắng không ngừng học hỏi, rèn luyện đạo đức tác phong, cống hiến sức trẻ nhằm góp phần xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn./.


                                                                                                   

 (1)(2)(3): Đồng chí Phạm Văn Xô- Người cán bộ lão thành nhân hậu, giản dị.-H.:Nxb Chính trị Quốc gia, 2006.-tr.76, 155 và 176.             


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số