Giai đoạn đầu, chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu vẫn là chủ nghĩa yêu nước phong kiến, trong hơn 10 năm làm nghề dạy học, ông vẫn lấy bút nghiên, đèn sách làm bạn để phụng dưỡng cha già và đi thi đỗ đạt thành danh. Điểm khác biệt to lớn giữa Phan Bội Châu với các thầy giáo đương thời là ông luôn đau đáu nỗi nhục mất nước, nỗi nhục bị nô dịch và luôn mưu cầu độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Trong “Trùng Quang tâm sử”, ông đã viết: “Đến nay đọc bài “Bình Ngô đại cáo”, xem sử sách nhà Lê còn cảm thấy cây cỏ còn thiêng, non sông mở mặt. Ôi! Sao mà thịnh vậy! Công lao tổ tiên ta rực rỡ biết chừng nào! Oanh liệt biết chừng nào! … Đọc lại câu chuyện “Bình Ngô đại cáo” ngày xưa, thấy tổ tiên chúng ta sinh ra vào thời ấy, không một ai không anh hùng. Thế thì nòi giống anh hùng, hậu anh hùng, chính là chúng ta. Chúng ta quên sao đặng”
Tinh thần yêu nước của ông thể hiện ở hàng loạt tác phẩm văn học, sử học, triết học, ông “lấy câu chuyện và nhân vật lịch sử làm dụ để giáo dục một tư tưởng, một đường lối”1, như các tác phẩm: “Kỷ niên lục”, “Sùng bái giai nhân”, “Hoàng Phan Thái”, “Việt Nam nghĩa liệt sĩ” nói về cuộc đời hoạt động và thành tích chiến đấu của những anh hùng xả thân cứu nước; hoặc “Việt Nam vong quốc sử”, “Việt Nam quốc khảo sử” là những tác phẩm có giá trị và tác dụng lớn trong phong trào yêu nước chống Pháp. Ngoài ra, các tác phẩm của Phan Bội Châu còn là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp cướp nước và ca tụng lòng yêu nước, chí khí anh hùng của các nghĩa sĩ chống Pháp.
Phan Bội Châu với tư cách là nhà yêu nước, ông xem văn chương như một công cụ, một vũ khí đấu tranh chống kẻ thù, giải phóng đồng bào đem lại độc lập cho đất nước. Do đó, nội dung chủ yếu trong văn chương của Phan Bội Châu là mô tả những hàng động anh hùng vì dân, vì nước của những bậc anh hùng ngày xưa trong cuộc đấu tranh chống xâm lược.
Bước đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Phan Bội Châu vẫn ôm ấp đạo lý “sát thân thành nhân”, “xả sinh thủ nghĩa” (Liều chết để làm được việc nhân, bỏ mạng người để làm việc nghĩa). Ông mơ tưởng thành lập một nhà nước quân chủ, với ông vua anh minh vì dân, vì nước.
Nhưng chính trong quá trình hoạt động cách mạng không mệt mỏi của mình, lòng yêu nước của Phan Bội Châu từ chỗ mờ nét đến sâu sắc, từ chỗ gắn liền với lập trường quân chủ đến quân chủ lập hiến, rồi dân chủ tư sản. Ông chưa bao giờ nói đến chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm mác-xít, nhưng do ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc, Cách mạng Tháng 10 Nga, ông rất cảm tình với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông viết: “Người nước ta không nói làm cách mạng thì thôi, chứ nói làm cách mạng thì phải bắt tay vào làm cách mạng xã hội. Hơn nữa, cách mạng xã hội không thể thành công nếu không dựa vào chỗ đông người, thuộc giai cấp dưới. Số đông của giai cấp dưới tức là công nhân và nông dân. Ở nước ta công nhân và nông dân chiếm hơn ¾ nhân số toàn quốc. Họ càng ngày càng bị bọn thống trị dùng cường quyền áp bức, bóc lột nặng nề … Sự cùng quẫn của nông dân, công nhân nước ta đã quá lắm rồi. Ngòi hỏa đạn bắn vào cường quyền đã âm ỷ trong lòng, rồi cũng có lúc nó nổ tung ra. Ngọn lửa đó mà bốc cháy lên thì cung đình của bọn đế quốc sẽ phải cháy trụi”2. Đây là bước tiến khá rõ trong sự chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu, nó vượt khá xa về mặt nhận thức chính trị, về tư tưởng cách mạng, tuy sự nhận thức về “cách mạng xã hội” còn chưa chính xác, hoàn chỉnh nhưng nó đánh dấu việc hướng về con đường cứu nước mới.
Phan Bội Châu rất coi trọng vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì “gọi là một nước phải có nhân dân, đất đai, chủ quyền” trong đó thì nhân dân là quan trọng nhất, so với các thầy đồ phong kiến thì quan điểm này đã phát triển xa và đi gần đến nhận thức đúng đắn về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Vì vậy, lúc này, đối với Phan Bội Châu công việc của một thầy giáo không còn là công việc giáo dục học trò trung với vua chúa phong kiến nữa mà là giáo dục học trò yêu nước thương dân, tủi hờn với nỗi đau mất nước và đứng lên chống lại ngoại xâm.
Có thể nói, chủ nghĩa yêu nước của Phan Bội Châu còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ông đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam. Ông tiêu biểu cho khuynh hướng cứu nước mới ở Việt Nam. Đó là, khuynh hướng dân chủ tư sản. Đặc biệt, thầy đồ Phan Bội Châu đã có những công lao to lớn trong việc làm dấy lên nhiều phong trào cách mạng do tác động trực tiếp hay gián tiếp của thầy, như: phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế Trung Kỳ, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên… làm thức tỉnh dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân./.
1. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến chủ nghĩa tư bản – Trần Văn Giàu, tập 1, NXB KHXH , H, 1974, tr 208.
2. Truyện Phạm Hồng Thái - Phan Bội Châu , Chương Châu dịch, NXB Văn học, H, 1967, tr126.