Tin mới nhất

Vị trí của văn hóa trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay từ năm 1943, khi đất nước chưa độc lập, toàn dân tộc đang tiến hành đấu tranh chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến xây dựng văn hóa cho nhân dân. 

Không chỉ thể hiện trong hành động, về mặt lý luận Người còn đưa ra định nghĩa văn hóa để thống nhất quan điểm của mọi người về văn hóa và nhiệm vụ của xây dựng văn hóa:“ Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

Và đến cuối cuộc đời, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người vẫn quan tâm đến xây dựng văn hóa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, trong từng thời kỳ, Đảng đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo hoạt động văn hoá. Trong đó có thể nói đến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm (khóa VIII), ngày 16-7-1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nghị quyết đầu tiên của Đảng ta bàn riêng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động XH………phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH - HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, XH công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên CNXH”,  đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm (khóa VIII), toàn Đảng đã tổng kết, đánh giá, mặt được, mặt tồn tại của quá trình thực hiện nghị quyết. Qua đó, để đáp ứng yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, xác định rõ hơn quan điểm, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng văn hóa, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quan điểm thứ nhất trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Quan điểm này so với Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII cho thấy Đảng đã xác định rõ hơn vị trí của văn hóa, đó là văn hóa phải được ngang hàng với các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Thời gian qua, mặc dù nhận thức về văn hóa của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành về vị trí của văn hóa đã được nâng lên, nhưng so với các lĩnh vực khác thì văn hóa vẫn chưa được xem trọng, văn hóa vẫn bị xem nhẹ hơn kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh…Những tác hại của việc có một nền văn hóa không hoàn thiện, không tương xứng, không lành mạnh không phải lúc nào cũng được nhìn nhận đúng đắn. “Tuy nhiên, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh; thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị; giữa các lĩnh vực của văn hóa”.

Trong khi đó, Di chúc Bác Hồ đã nêu rõ:

NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.”

Điều này có nghĩa là Bác đã đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, văn hóa là trụ cột không thể thiếu trong đời sống xã hội; để “nâng cao đời sống của nhân dân” phải thực hiện tốt cả hai mặt đó là phát triển kinh tế và phát triển văn hóa.  Chúng ta đã biết về cơ bản đời sống xã hội có hai lĩnh vực là vật chất và tinh thần, nếu kinh tế là nền tảng của đời sống vật chất, thì văn hóa chính là nền tảng của đời sống tinh thần. Nếu chỉ tập trung xây dựng kinh tế mà không chú ý đến xây dựng văn hóa sẽ dẫn đến nguy cơ lệch chuẩn, những hiện tượng tiêu cực, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống…; những giá trị tốt đẹp của dân tộc sẽ bị xói mòn, xã hội suy vong. Và trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chưa xác định đúng đắn vị trí của văn hóa nên thực trạng xây dựng nền văn hóa ở nước ta vẫn còn những hạn chế như: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần xã hội”. “Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn”. “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”. “Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn”.

Như vậy, đưa vào quan điểm đầu tiên nội dung: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” là Nghị quyết đã nhắc lại tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện đúng tư tưởng của Người về vị trí của văn hóa và do đó đã làm sáng tỏ hơn vị trí của văn hóa trong tổng thể các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đồng thời, cụ thể hơn vị trí của văn hóa, quan điểm thứ tư của Nghị quyết lần này nhấn mạnh: “Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế”.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tập trung xây dựng nền kinh tế và đang có những tăng trưởng vượt bậc. Trong phát triển kinh tế, một bài học cần phải quan tâm đó là phát triển kinh tế phải gắn với xây dựng đời sống văn hóa, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế phải vì mục tiêu phát triển con người toàn diện. Xã hội hiện nay đã cho thấy thực trạng tăng trưởng kinh tế nhưng đời sống văn hóa lại bị khủng hoảng, những giá trị nhân bản bị đe dọa, thảm họa môi trường…

Một số nước tư bản kinh tế phát triển nhưng đi ngược với mục tiêu văn hoá, không coi trọng con người nên đã dẫn tới suy thoái môi trường sinh thái, như Mỹ từ chối ký vào Công ước Kyôtô là một điển hình. Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên, như việc các công ty tư bản tập trung khai thác đến cạn kiệt các tài nguyên ở một số nước Nam Mỹ đã làm huỷ hoại hàng chục triệu ha rừng, hay việc thị trường tư bản kích thích vô độ tâm lý tiêu dùng vật chất, sùng bái hàng hoá….Như vậy, giữa tăng tối đa lợi nhuận và bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá của con người thì ở đây lợi nhuận được lựa chọn. Và hậu quả của sự phát triển kinh tế không hướng vào mục tiêu văn hoá sẽ là sự thiếu bền vững của môi trường sinh thái, sự thiếu an toàn xã hội, các giá trị của con người bị đe dọa và xem nhẹ.

Đọc Di chúc Bác - Bảo vật của quốc gia, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm nhìn của bậc vĩ nhân, trong hàng nghìn công việc phải quan tâm của một đất nước còn trong vòng vây xâm lược của kẻ thù, Người vẫn dành quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, điều này rõ ràng xuất phát từ nhận thức của Người về vị trí quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội nói chung, đời sống của mỗi cá nhân nói riêng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI là góp phần thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí của văn hóa trong Di chúc của Người./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số