Tin mới nhất

Xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cho đến khi phải từ biệt thế giới này để đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn dân, toàn đảng, cho toàn thể bộ đội và các cháu thanh niên, nhi đồng và cho muôn thế hệ mai sau lời di chúc thiêng liêng; trong đó có lời căn dặn thống thiết trước hết nói về Đảng. Người đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong đảng. 

Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc bao gồm đoàn kết trong đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế. Đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, của thành công. Trước hết là đoàn kết trong Đảng để xây dựng Đảng thành một khối thống nhất, là hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta". Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước được Đảng ta kế thừa và phát huy trong giai đoạn Đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người căn dặn “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Sự đoàn kết trong Đảng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nhất trí, thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đoàn kết phải được xây dựng, bồi đắp trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin.

Nhìn lại lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tổng kết bài học kinh nghiệm thất bại của Công xã Pa ri (1871), Mác-Ănghen đã thấy rằng một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của Công xã là do không có một chính Đảng thống nhất ý chí và hành động lãnh đạo, nội bộ Công xã phân chia thành phe phái. Từ thực tế đó Mác-Ănghen đã chỉ rõ sự cần thiết phải đoàn kết thống nhất giai cấp vô sản. Nhiệm vụ hàng đầu lúc này là phải hình thành các Đảng độc lập ở từng nước để thống nhất giai cấp vô sản ở nước đó và giữ vững nguyên tắc thống nhất quốc tế của phong trào vô sản.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác-Ănghen vào thực tiễn nước Nga, trong quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội để vận động thành lập Đảng Bôn sê vích Nga, Lê Nin đã luận chứng sâu sắc tính tất yếu và ý nghĩa to lớn của sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Lênin cho rằng sự đoàn kết thống nhất của giai cấp công nhân không thể có được nếu thiếu sự đoàn kết thống nhất của chính Đảng của nó. Nhờ có quan điểm đúng đắn đó Người đã xây dựng Đảng Bôn sê vích Nga hoạt động giữ vững được đoàn kết thống nhất để đưa cách mạng Tháng Mười Nga đi đến thành công.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng cách mạng chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Trong quá trình hoạt động của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Người đã khẳng định trong Di chúc "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rõ điều đó; nhờ đoàn kết thống nhất trong Đảng và tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng CNXH; thực hiện công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đất nước vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hôi dân chủ, công bằng và văn minh. Tuy vậy khi đất nước chuyển mình sang giai đoạn mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong xu thế mở cửa, hội nhập; cùng với những thành tựu quan trọng, to lớn đã đạt được trên các lĩnh vực đời sống xã hội thì mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã ảnh hưởng đến sự suy thoái chính trị - tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý; đã chạy theo lối sống thực dụng, vị kỷ, đề cao chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, kèn cựa địa vị, xa rời dân, xem thường kỷ luật của Đảng, pháp luật, kỷ cương của Nhà nước. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ đảng viên đang diễn ra nghiêm trọng. Những biểu hiện đó đã ảnh hưởng không ít đến sự đoàn kết nhất trí trong tổ chức Đảng, thậm chí có những cấp uỷ, chi bộ Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Từ thực tế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ: "Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức Đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt". Điều đó  làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bị giảm sút.

 Nguyên nhân của tình hình trên xuất phát từ những hạn chế yếu kém trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; từ những hạn chế trong việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng; trong sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ, và nhất là sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

Từ thực tế trên đây, bài viết này nêu lên những giải pháp về xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng;

Thứ nhất: quán triệt quan điểm trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là nguyên tắc sống còn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Đồng thời Người căn dặn: phê bình và tự phê bình cần có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và dân tộc. Có như vậy, mới giữ được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thứ hai: Cần coi trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, nhất là giáo dục chủ trương, nghị quyết, Điều lệ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho thấm nhuần sâu sắc trong tư tưởng mỗi cán bộ, đảng viên và được thể hiện nhất quán trong mỗi hành động. Có như vậy, mới tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức; từ đó có sự thống nhất về hành động của tổ chức Đảng.

Thứ ba: Đề cao việc thực hiện kỷ luật nghiêm minh và tự giác trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải gương mẫu, tự giác chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng và tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt Đảng; phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của Đảng, biến kỷ luật thành ý thức và hành động tự giác. Để đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, mỗi cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Các cấp uỷ Đảng, các chi bộ Đảng phải tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Gắn việc học tập với tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo tấm gương đạo đức của Người một cách thiết thực.

Thứ tư: Mỗi đảng viên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đoàn kết không phải ở lời nói mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ. Trong Đảng không được thổi phồng thành tích, dối cấp trên, trù dập cấp dưới, hoặc lấy việc tự phê bình và phê bình là công cụ để đã kích nhau, gây bè phái làm mất đoàn kết nội bộ.

45 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta đã gìn giữ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Đối với Trường Chính trị Bình Thuận, là cơ quan nghiên cứu giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chủ trương của Đảng; pháp luật, chính sách của Nhà nước. Trong quá trình hoạt động suốt hàng chục năm qua đã góp phần tích cực trong việc đưa nội dung Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy để làm cho các giá trị tư tưởng cao quý của Người được đi sâu vào nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên và công chức của tỉnh nhà, nhằm biến thành hành động cách mạng trong thực tiễn cuộc sống ở địa phương. Đồng thời trong hoạt động của Đảng bộ Trường Chính trị, đối với công tác xây dựng Đảng, luôn lấy tư tưởng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là về xây dựng khối đoàn kết nhất trí làm phương châm cho công tác xây dựng Đảng bộ và cơ quan trong sạch, vững mạnh. Từ đó tập thể cán bộ và nhân viên nhà trường đã xây dựng được khối đoàn kết nội bộ chặt chẽ, thống nhất cao; đảm bảo dân chủ và kỷ cương trong mọi hoạt động. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng để nhà trường vượt qua mọi khó khăn khi điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên còn rất thiếu, khối lượng công việc chuyên môn ngày càng nhiều. Mặc dù vậy liên tục trong nhiều năm liền, Trường Chính trị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do đó được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba; hạng Hai.

 Về thành tích của Đảng bộ, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tặng danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 15 năm liên tục.  

Những tư tưởng cơ bản về vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng hiện nay.

Kết thúc bài viết tôi xin trích 4 câu trong bài thơ “Theo chân Bác” của Nhà thơ Tố Hữu, viết năm 1970

Bác đi Di chúc dục lòng ta

Cho cả muôn đời một khúc ca

Lẽ sống niềm tin mong ước lớn

Và tình thương ơn nghĩa nặng bao la./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số