Tin mới nhất

Một số tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước của thầy giáo Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX

Trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ XIX, một trong những lực lượng có vị trí quan trọng là đội ngũ các thầy giáo, tiêu biểu là thầy giáo: Phan Văn Nghị, Tống Duy Tân, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu… Những thầy giáo ấy đã góp phần làm thay đổi và phát triển mặt tích cực của đạo lý phong kiến. Quan niệm về trung, hiếu, lễ, nghĩa trong thời kì này không còn đơn thuần là "trung với vua" mà đã dần chuyển thành "trung với nước, hiếu với dân". Vì vậy, Họ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, khi cần có thể hy sinh cả bản thân. 

Trước hết phải kể đến là thầy giáo Nguyễn Hữu Huân - giữ chức giáo vụ huyện Kiến Hưng tỉnh Mỹ Tho. Ông là một vị chỉ huy trẻ anh hùng, tài ba, dùng vũ trang chống Pháp. Ông bị địch bắt ba lần, trong đó có lần ông bị đày ra đảo Buốc - Bông (tức đảo Bêuyniông), nhưng khi được thả ông lại tập hợp, chiêu mộ nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. Thực dân Pháp tìm đủ mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ ông nhưng chúng đều bị thất bại.

Cuối cùng, chúng quyết định đem ông xử tử tại quê nhà. Ngày xử tử, chúng đóng gông đưa ông xuống thuyền, đi đến đâu chúng đánh trống vang rền tới đó nhằm khủng bố tinh thần chiến đấu của nhân dân. Nhưng ông vẫn bình thản đọc thơ động viên tinh thần yêu nước của nhân dân:

"Hai bên thiên hạ thấy hay không ?

Một gánh cang thường há phải gồng"(1)

Sau đó, ông đã tự vẫn chứ không để thực dân Pháp chém đầu.

Tiếp đến là thầy giáo Nguyễn Thông - làm huấn đạo (chức học quan) ở huyện Phong Phú tỉnh An Giang. Khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, ông đã xếp lại kinh sử xin gia nhập quân đội để đánh giặc cứu nước. Sau khi 3 tỉnh miền Tây rơi vào tay thực dân Pháp (1867), ông rút ra Bình Thuận và thu nạp các lực lượng yêu nước của các tỉnh Nam Kỳ đang sống phân tán ở Bình Thuận vào trong tổ chức "Đồng Châu xã" để chống Pháp và mưu cuộc kháng chiến lâu dài về sau. Ông lúc nào cũng đau đáu nỗi yêu nước, thương dân:             

"Chỉ lưu ca khóc người Yên, Triệu

Lửa nóng sôi lòng tóc nhuộm sương"(3)

Đồng thời, chính ông  là người viết lại những tấm gương hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ trong thời kì đầu kháng Pháp để nêu gương và kêu gọi lòng yêu nước trong nhân dân như: tấm gương Trương Công Định, Hồ Huấn Nghiệp...

Ngoài các thầy giáo dùng gươm giáo, gậy gộc để kháng Pháp, còn nhiều thầy giáo đã dùng ngòi bút, văn chương, mưu lược như một vũ khí sắc bén để chống Pháp. Tiêu biểu là thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu - thầy Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Văn thơ của thầy Đồ Chiểu đi vào đời sống hàng ngày, nó có sức lan toả và tác động rất lớn đến lòng yêu nước của nhân dân.

Qua các tác phẩm như: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", "Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh"... Thầy đã động viên được nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có tầng lớp nông dân, đứng lên bảo vệ quê hương, đất nước:

"Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao

Một trận đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ''(4)

Hoặc "Ngựa nghĩa còn cưu nhà nước cũ,

Làm người bao nỡ phụ quê hương''(5)

Bằng ngòi bút sắc bén, thầy Đồ Chiểu đã tố cáo, lên án cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của thực dân Pháp trên đất nước ta:

"Từ thuở Tây qua cướp đất, xưng tân trào gây nợ oán cừu ...

Tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật

Kể mười mấy năm, trời khốn khó bị khảo, bị tù, bị đầy, bị

giết, trẻ già nghe nào xiết đếm tên"(6)

Điểm nổi bật trong văn thơ của thầy Đồ Chiểu là luôn ca ngợi, cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta trong chống giặc ngoại xâm: "Ngoài cật có một manh áo vải"(7), "trong tay cầm một ngọn tầm vong"(8) nhưng khi giặc Pháp sang xâm lược nước ta, họ "xô cửa xông vào liều mình như chẳng có..."(9)

Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu là người yêu nước, thương dân và căm thù giặc sâu sắc. Thầy thà sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu thốn chứ nhất định không cộng tác với giặc, nhất định không để thực dân Pháp mua chuộc.

Có thể nói, nhân dân ta, dân tộc ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Niềm tự hào dân tộc ấy càng dâng cao khi đất nước có ngoại xâm, không chỉ có các chiến sĩ mới xông pha ra chiến trường mà ngay cả những thầy giáo chỉ quen với sách, đèn cũng sẵn sàng "xếp bút nghiên" lên đường cứu nước; bất chấp cả cuộc sống của bản thân. Tuy nhiên, chủ nghĩa yêu nước trong xã hội phong kiến nói chung, chủ nghĩa yêu nước của các thầy giáo phong kiến Việt Nam nói riêng còn nhiều điểm hạn chế do thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo chặt chẽ nên các phong trào đấu tranh của các thầy chủ yếu là hy sinh và không mấy thành công. Những điểm hạn chế đó, sau này đã được các thầy giáo yêu nước khác, trong đó có thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ kính yêu của chúng ta - khắc phục và xây dựng cho mình chủ nghĩa yêu nước đúng đắn hơn. Đó là chủ nghĩa yêu nước theo quan niệm Mác - xít./.


(1) Đinh Xuân Lâm - Chương Thâu: Danh nhân lịch sử Việt Nam, tập 2, NXB Giáo dục, H, 1998, tr9

(2) Sđd, tr10

(3) Nguyễn Thông: Thơ gửi cho bạn Bùi Bá Xương

(4) Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

(5) Nguyễn Đình Chiểu: Ngựa Tiên Sương

(6) Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh

(7), (8), (9) Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số