Tin mới nhất

Cảm nhận sau buổi tham quan lễ hội katê của đồng bào Chăm ở Tháp Pô Sah Inư - Bình Thuận

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Bình Thuận diễn ra từ ngày 22 đến 23/10/2014 (đầu tháng 7 lịch Chăm). Đây là lễ hội lớn nhất và diễn ra hàng năm của đồng bào Chăm, mang đậm tín ngưỡng dân gian với nhiều lễ nghi truyền thống và phần hội vui tươi, đặc sắc.

Hòa vào dòng người đang đổ về phía tháp Pô Sah Inư (Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận), chúng tôi có mặt tại đây đã được chứng kiến một không khí vui tươi, hoành tráng và thiêng liêng khi bắt gặp hình ảnh đồng bào Chăm trong tỉnh với trang phục truyền thống, tay mang những lễ vật để chuẩn bị cho việc cúng kính tại các đền, tháp, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị thần, ông bà tổ tiên với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, sự hòa hợp lứa đôi, sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.

Theo lời người hướng dẫn ở đây, chúng tôi được biết các nghi lễ chính thức của lễ hội Katê năm nay sẽ bắt đầu từ 10h sáng ngày 22/10, buổi chiều sẽ là lễ cúng cầu an tại tháp chính do các chức sắc tôn giáo Bàlamôn thực hiện và chiều tối là hoạt động của phần hội thi giữa các xã: thi trưng bày, thi trang trí lễ vật cúng thần và chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian với sự tham gia của các nghệ nhân người Chăm và Đoàn ca múa nhạc Biển xanh. Ngày 23/10 sẽ diễn ra phần lễ rước Y trang Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính - là một trong những nghi thức quan trọng của lễ hội Katê.

Đến với lễ hội, du khách tham quan sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những điệu múa truyền thống của các thiếu nữ Chăm hòa quyện với tiếng trống Paranưng, sự kết hợp hoạt động giữa phần lễ và phần hội tạo nên điểm nhấn của lễ hội năm nay như: lễ dâng hương cúng thần tại tháp chính, giao lưu văn nghệ, trình diễn dệt thổ cẩm của các nghệ nhân, tổ chức thi trưng bày lễ vật…cùng những trò chơi dân gian mang dậm sắc thái truyền thống của dân tộc Chăm.

Độc đáo nhất chúng tôi thấy được trong lễ vật cúng thần Pô sah Inư mà đồng bào Chăm dâng lên gồm: chuối, trứng luộc, rượu trắng, trái cây, bánh gừng… trong đó nải chuối được cắt đi phần đầu của quả chuối mang ý nghĩa như là “ký hiệu” của ông bà tổ tiên xưa, để tránh không mua nhầm đồ đã được cúng.

Ảnh: Chuẩn bị lễ vật cúng thần
Ảnh: Chuẩn bị lễ vật cúng thần

Lễ hội Katê không chỉ phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Chăm, mà thông qua đó, còn giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm nói riêng, của Bình Thuận nói chung đến du khách trong và ngoài nước.

 Sôi động, vui tươi, và có sự thiêng liêng là những gì chúng tôi cảm nhận được sau buổi tham quan Lễ hội Katê của đồng bào Chăm. Trong lòng chúng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả, cảm xúc được chiêm ngưỡng những giá trị mang đậm bản chất truyền thống văn hóa dân gian, cảm xúc khi thấy sự tham gia, gặp gỡ, chung tay đoàn tụ tạo nên không khí vui tươi giữa các thành viên trong gia đình, trong làng, trong xã và sự giao lưu thân thiết giữa các xã với nhau. Qua đó chúng tôi tự ý thức rằng mình cần phải luôn thể hiện tình yêu, nâng cao niềm tự hào về những giá trị truyền thống mà cha ông ta đã để lại, đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng ./.


Các tin khác

Kết quả điểm

Tài liệu tuyên truyền

Hướng dẫn tra cứu thư viện số